Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách văn bản quan trọng hướng dẫn về hoạt động du lịch ở Việt Nam

Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác

 

1. Phân loại tài nguyên du lịch

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Du lịch 2017 thì tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch.

Các loại tài nguyên du lịch theo quy định tại Điều 15 Luật Du lịch 2017 bao gồm:

- Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

- Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

Như vậy, có 2 loại tài nguyên du lịch là Tài nguyên du lịch tự nhiên và Tài nguyên du lịch văn hóa.

2. Quyền và nghĩa vụ của các khách du lịch

Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến (Khoản 2 Điều 3 Luật Du lịch 2017).

* Theo Điều 10 Luật Du lịch 2017 thì các loại khách du lịch được chia thành:

Các loại khách du lịch

1. Khách du lịch bao gồm khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

2. Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.

3. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch.

4. Khách du lịch ra nước ngoài là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

* Quyền và nghĩa vụ của khách du lịch được quy định tại Điều 11, Điều 12 Luật Du lịch 2017, như sau:

Khách du lịch có các quyền sau:

- Sử dụng dịch vụ du lịch do tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp hoặc tự đi du lịch.

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp thông tin về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch theo hợp đồng đã ký kết.

- Được tạo điều kiện thuận lợi về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hải quan, lưu cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo hợp đồng đã giao kết với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch.

- Được đối xử bình đẳng; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng dịch vụ du lịch; được tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về du lịch.

- Kiến nghị với tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch.

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của khách du lịch:

- Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.

- Thực hiện nội quy của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch.

- Thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự

3. Tổng hợp các văn bản quan trọng hướng dẫn hoạt động du lịch

1

Luật Du lịch 2017

Luật Du lịch 2017 số 09/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch. 

2

Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch

Nghị định 168/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch của cơ sở lưu trú du lịch và nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

3

Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/08/2019 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. 

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. 

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

4

Nghị định 129/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo

Điều 1 Nghị định 129/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Theo đó, bổ sung thêm nội dung về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và sửa đổi một số Điều liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

5

Nghị định 30/2022/NĐ-CP quy định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia

Nghị định 30/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/08/2022 quy định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia bao gồm: các hình thức tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia (Chương II); nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia (Chương III); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý khu du lịch quốc gia (Chương IV).

6

Thông tư 18/2021/TT-BVHTTDL quy định về chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Thông tư 18/2021/TT-BVHTTDL có hiệu lực ngày 15/02/2022 quy định chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch gồm nội dung chế độ báo cáo thống kê; lập và gửi báo cáo thống kê; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê.

7

Thông tư 34/2018/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 34/2018/TT-BTC có hiệu lực ngày 14/05/2018 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Mức thu phí được quy định chi tiết tại Điều 4 của Thông tư này.

8

Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL về hướng dẫn Luật Du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL có hiệu lực ngày 01/02/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017 về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế; trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; tiêu chuẩn cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác; tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ; nội dung bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế; mẫu đơn đề nghị, thông báo, biên bản; mẫu giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch; mẫu chứng chỉ, giấy chứng nhận và các mẫu biển hiệu trong lĩnh vực du lịch.

9

Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 42/2017/TT-BGTVT có hiệu lực ngày 01/01/2018 quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch. Cụ thể là Điều 4 và Điều 5 Quy định đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ và đường thủy nội địa. Điều 6 và Điều 7 Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ và đường thủy nội địa.

10

Thông tư 33/2018/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 33/2018/TT-BTC có hiệu lực ngày 14/05/2018 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

11

Quyết định 1066/QĐ-BVHTTDL năm 2018 về Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Quyết định 1066/QĐ-BVHTTDL năm 2018 có hiệu lực ngày 28/03/2018 về Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Bộ tiêu chí phân loại từng phần như Phần A đối với cơ sở ăn uống, Phần B đối với cơ sở bán hàng lưu niệm và Phần C đối với cơ sở vui chơi giải trí.

12

Quyết định 1894/QÐ-BVHTTDL năm 2023 về Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Quyết định 1894/QÐ-BVHTTDL năm 2023 có hiệu lực ngày 14/07/2023 về Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm bao gồm: Mô hình hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; Mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; Mô hình mua sắm, giải trí đêm; Mô hình tham quan du lịch đêm; Mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

13

Quyết định 718/QĐ-BVHTTDL về Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Quyết định 718/QĐ-BVHTTDL có hiệu lực ngày 02/03/2017 về Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch. 

Bộ Qutắc ứng xử văn minh du lịch là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. 

14

Công văn 120/TCDL-LH năm 2018 về hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017 lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch do Tổng cục Du lịch ban hành

Công văn 120/TCDL-LH năm 2018 có hiệu lực ngày 08/02/2018 về hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017 lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch. Cụ thể quy định về:

- Điều kiện hành nghề hướng dẫn viên;

- Hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên;

- Quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch;

- Cấp giấy phép thành lập đại diện cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.247.101
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!