Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách các văn bản nổi bật liên quan đến hoạt động chăn nuôi mới nhất

Chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

1. Hoạt động chăn nuôi là gì? Nguyên tắc hoạt động chăn nuôi bao gồm những gì?

Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định về khái niệm của hoạt động chăn nuôi, theo đó hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người.

Căn cứ tiếp Điều 3 Luật Chăn nuôi 2018 thì nguyên tắc hoạt động chăn nuôi bao gồm những nội dung sau đây:

- Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý nguồn gen giống vật nuôi bản địa, nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; tiếp thu nhanh tiến bộ di truyền giống của thế giới; kết hợp chăn nuôi hiện đại với chăn nuôi truyền thống; phát triển chăn nuôi phù hợp với vùng sinh thái.

- Xã hội hóa hoạt động chăn nuôi; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi; bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trong chăn nuôi.

- Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Danh sách các văn bản nổi bật liên quan đến hoạt động chăn nuôi mới nhất (Hình từ Internet)

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi

Căn cứ Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình triển khai hoạt động chăn nuôi gồm có:

- Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

- Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.

- Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.

- Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.

- Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

- Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

- Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.

- Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.

- Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.

- Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.

- Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

Như vậy, khi tiến hành hoạt động chăn nuôi, các cá nhân, tổ chức không được phép thực hiện các hành vi nêu trên.

3. Tổng hợp các văn bản hướng dẫn hoạt động chăn nuôi mới nhất 2024

Dưới đây là danh sách các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động chăn nuôi mới nhất được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp:

1

Luật Chăn nuôi 2018

Luật Chăn nuôi 2018 số 32/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Trong đó, Chương II Luật này quy định về giống và sản phẩm giống vật nuôi, với Mục 1 quy định về nguồn gen giống vật nuôi, Mục 2 quy định về sản xuất, mua bán giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi, Mục 3 quy định về khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi. Bên cạnh đó, Chương III Luật này quy định về thức ăn chăn nuôi, Chương IV quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, và Chương V quy định về chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

2

Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi

Nghị định 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/03/2020 hướng dẫn chi tiết khoản 4 Điều 14, khoản 3 Điều 19, khoản 3 Điều 38, khoản 4 Điều 39, khoản 5 Điều 41, khoản 8 Điều 43, khoản 5 Điều 45, khoản 2 Điều 52, khoản 4 Điều 53, khoản 4 Điều 58, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 63, khoản 4 Điều 64, khoản 3 Điều 67, khoản 2 Điều 68, khoản 5 Điều 78 Luật Chăn nuôi.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến như là:

- Quy định về danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn tại Điều 6;

- Quy định về danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu tại Điều 7;

- Quy định về điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Điều 9;

- Quy định về điều kiện chăn nuôi tại Chương IV, với Điều 21 quy định về quy mô chăn nuôi, và Điều 22 quy định về mật độ chăn nuôi đối với các vùng.

3

Nghị định 46/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi

Nghị định 46/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/07/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi.

Trong đó, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản nổi bật như là:

- Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 về giải thích từ ngữ;

- Sửa đổi một số khoản của Điều 11 về đánh giá điều kiện thực tế sản xuất thức ăn chăn nuôi;

- Bổ sung Điều 18a quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu;

- Sửa đổi một số khoản của Điều 21 quy định về quy mô chăn nuôi;

- Bổ sung Điều 32b quy định về đánh giá điều kiện thực tế cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

4

Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi

Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/04/2021 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định tại Chương II về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó:

- Mục 1 quy định về vi phạm quy định về giống vật nuôi;

- Mục 2 quy định về vi phạm quy định về thức ăn chăn nuôi;

- Mục 3 quy định về vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi.

5

Nghị định 07/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi

Nghị định 07/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2022, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi.

Trong đó, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi tại Điều 4, với một số nội dung đáng chú ý có thể kể đến như là:

- Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi;

- Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 13 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về chứng chỉ, giấy phép trong quản lý giống vật nuôi;

- Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 14 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.

6

Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Nghị định 106/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/09/2024 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bao gồm: sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sản xuất trong nước, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi bao gồm: hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn, hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao, hỗ trợ mua gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ và khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến như là:

- Quy định về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi tại Chương II, trong đó Điều 6 quy định về hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi tại Điều 6, Điều 7 quy định về Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi;

- Quy định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trong đó Điều 8 quy định về hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn; Điều 10 quy định về chính sách khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.

7

Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/07/2023, Thông tư này ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Trong đó, quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng tưới gốc cho cây trồng. Nước thải chăn nuôi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải sử dụng chung (hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; sông, suối, khe, rạch, kênh, mương, hồ, ao, đầm, phá, vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này.

8

Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 20/02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi.

Trong đó, Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT quy định về ghi nhãn thức ăn chăn nuôi tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1; sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT quy định về báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khoản 3 Điều 1. Bên cạnh đó, Thông tư này còn sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số nội dung, Phụ lục của Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT tại Điều 2.

9

Thông tư 14/2023/TT-BNNPTNT về Danh mục giống vật nuôi cần thiết nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 14/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 02/02/2024 ban hành Danh mục giống vật nuôi (bao gồm giống vật nuôi quy định tại Luật Chăn nuôi và giống thủy sản quy định tại Luật Thủy sản) cần thiết nhập khẩu theo khoản 12 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 18 và khoản 4 Điều 40 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

10

Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT quy định về việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 07/01/2020 quy định chi tiết việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Chăn nuôi.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi tại Chương II, quy định về tần suất cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi tại Điều 8, hay quy định về quản lý tài khoản cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi tại Điều 10.

11

Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 14/01/2020 hướng dẫn một số nội dung quy định tại khoản 4 Điều 37, khoản 2 Điều 46, điểm d khoản 2 Điều 48, điểm c khoản 2 Điều 79 của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi, bao gồm: chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi bắt buộc phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng; ghi nhãn thức ăn chăn nuôi; báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi; danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Trong đó, nội dung về ghi nhãn thức ăn chăn nuôi được quy định tại Điều 4, nội dung báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định tại Điều 5, danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi được quy định tại Điều 6.

12

Thông tư 22/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 22/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/01/2020 hướng dẫn khoản 1 Điều 15, khoản 4 Điều 16, điểm a khoản 4 Điều 20, điểm a khoản 2 Điều 21 và khoản 3 Điều 24 Luật Chăn nuôi.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm để phục vụ nghiên cứu, chọn, tạo dòng, giống vật nuôi mới và sản xuất, kinh doanh tại Điều 3, quy định về biểu mẫu hồ sơ trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm tại Điều 4, hay quy định về chỉ tiêu chất lượng bắt buộc phải công bố và mức chất lượng giống đối với đực giống, cái giống tại Điều 7.

13

Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/01/2020 quy định hướng dẫn khoản 3 Điều 8, điểm a khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 54, khoản 3 Điều 55 và khoản 3 Điều 65 Luật Chăn nuôi.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi tại Điều 4, quy định về khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại tại Điều 5, hay quy định về khoảng cách, phương thức di chuyển đàn ong mật tại Điều 6.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 35.170.81.33
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!