1. Cập nhật 05 Luật mới được thông qua
Vừa qua, Quốc hội thông qua 05 Luật tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 Khóa XV, trong đó có một số điểm mới như sau:
- Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, đã thay đổi tên ngành nghề trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực điện ảnh.
Cụ thể, thay đổi từ ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim" thành ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ phổ biến phim".
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Bổ sung các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản.
Cụ thể đã bổ sung quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp:
+ Mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng;
+ Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ;
Cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng;
+ Nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ.
- Luật Cảnh sát cơ động 2022 có hiệu lực 01/01/2023:
Luật mới đã cụ thể hóa quy định về việc tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động:
Trong đó, công dân muốn vào Cảnh sát cơ động phải đáp ứng quy định sau:
+ Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện thì được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động.
+ Cảnh sát cơ động được ưu tiên tuyển chọn công dân có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động.
+ Nội dung này sẽ được Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết.
- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực ngày 01/01/2023:
Luật mới bổ sung quyền nhân thân của tác giả.
Cụ thể, bổ sung quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 vào quyền nhân của tác giả.
- Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực 01/01/2024:
Bổ sung thêm một số nguyên tắc khen thưởng là nội dung được bổ sung tại Luật Thi đua, khen thưởng 2022 như sau:
- Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;
- Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh;
Cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Sửa đổi tiêu chí về trình độ đào tạo của công chức văn thư
Đây là nội dung tại Thông tư 06/2022/TT-BNV sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
Theo đó, sửa đổi tiêu chí về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của công chức văn thư ngạch Văn thư viên chính và ngạch Văn thư viên như sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học, lưu trữ học và quản trị văn phòng.
- Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành hoặc chuyên ngành văn thư hành chính, văn thư - lưu trữ, lưu trữ.
Hiện nay quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của công chức hai ngạch này như sau:
Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học. Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
Thông tư 06/2022/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.
3. Hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt
Ngày 29/06/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2741/BGDĐT-KHTC hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, đối với các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác cần khẩn trương phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để triển khai việc thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể:
- Trang bị sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục;
- Phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán thống nhất mẫu thông tin thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục có tối thiểu các trường thông tin sau để tạo thuận lợi đối với việc xử lý:
+ Họ và tên người trả tiền;
+ Họ và tên người thụ hưởng;
+ Lý do thanh toán;
+ Mã/số hóa đơn thanh toán;
- Bố trí đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh, sinh viên và các đối tác liên quan thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí và các dịch vụ giáo dục tạo điều kiện thuận lợi cho người học và gia đình người học;
Tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng số lượng và giá trị thanh toán của cơ sở giáo dục và đào tạo.