Thời hạn gửi phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự là bao lâu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/04/2024 18:15 PM

Cho tôi hỏi theo quy định thì thời hạn gửi phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự là bao lâu? – Hải Vân (Nam Định)

Thời hạn gửi phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự là bao lâu?

Thời hạn gửi phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự là bao lâu? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quy định về phát biểu của Kiểm sát viên

Theo Điều 262 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về phát biểu của Kiểm sát viên như sau:

- Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

- Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

Thời hạn gửi phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm

Căn cứ Điều 8 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm như sau:

- Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự, sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về các nội dung sau:

+ Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án;

Lưu ý: Trong trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục các vi phạm về thủ tục tố tụng, thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận, thì phải nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên toà.

+ Phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án.

- Tại phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự, sau khi những người tham gia tố tụng trình bày, giải thích, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 314 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.

- Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp và phải được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, phiên họp để lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự.

Như vậy, thời hạn gửi phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm là 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa.

Trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự phúc thẩm

Tại Điều 10 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định về trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm như sau:

- Trường hợp chỉ có kháng cáo của đương sự, thì việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp được thực hiện như sau:

+ Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo;

+ Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm;

+ Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo.

- Trường hợp chỉ có kháng nghị của Viện kiểm sát, thì việc trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp được thực hiện như sau:

+ Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị; có quyền xuất trình bổ sung hồ sơ, tài liệu, vật chứng (nếu có) làm cơ sở cho việc kháng nghị; phân tích để làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định sơ thẩm;

+ Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về các nội dung hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC;

+ Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị.

- Trường hợp vừa có kháng cáo của đương sự, vừa có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, thì Kiểm sát viên phát biểu ý kiến theo trình tự sau đây:

+ Phát biểu về kháng cáo của đương sự theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC;

+ Trình bày kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC;

+ Phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về các nội dung hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC;

+ Phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.

- Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp và phải được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, phiên họp để lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự.

Như vậy, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm phải được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 520

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn