Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Bộ luật tố tụng dân sự mới nhất

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được ban hành ngày 25/11/2015 quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án dân sự.

1. Nội dung chính của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) điều chỉnh những nội dung sau:

- Những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; 

- Trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là vụ án dân sự);

- Trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là việc dân sự);

- Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Tòa án; 

- Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; 

- Thi hành án dân sự; 

- Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ việc dân sự; 

- Quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

BLTTDS 2015 góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật

2. Một số điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 có một số điểm mới so với Bộ Luật Tố tụng dân sự 2004 như sau:

- Bổ sung Trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng: Được quy định cụ thể tại Mục 3 Chương III BLTTDS 2015.

- Bổ sung thêm đối tượng có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Theo đó, BLTTDS 2015 bổ sung thêm 02 đối tượng tiến hành tố tụng gồm: Thẩm tra viên và Kiểm tra viên.

- Hạn chế vai trò tham gia xét xử vụ án dân sự sơ thẩm của hội thẩm nhân dân: Theo đó Hội thẩm nhân dân không tham tham gia xét thử vụ án dân sự sơ thẩm nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

- Bổ sung thêm trường hợp bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Theo đó, bổ sung thêm 02 trường hợp bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Khoản 3, Khoản 4 Điều 9 BLTTDS 2015) như sau:

+ Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án.

+ Không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS.

- Tòa án xét xử tập thể vụ án dân sự và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn (quy định cũ chưa bao gồm nội dung liên quan đến xét xử theo thủ tục rút gọn).

- Để bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, BLTTDS 2015 bổ sung thêm trường hợp:

Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thông báo tiến độ, kết quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có trách nhiệm trả lời cho Tòa án.

- Bổ sung thêm thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Điều 36, 38 BLTTDS 2015).

- Bổ sung các quy định liên quan đế xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn (Phần thứ 4 BLTTDS 2015);

3. Danh mục văn bản hướng dẫn Bộ luật tố tụng dân sự mới nhất

1

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án dân sự và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc dân sự; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan.

2

Thông tư 02/2017/TT-TANDTC về Quy chế tổ chức phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Thông tư 02/2017/TT-TANDTC có hiệu lực 01/01/2018 về quy định về nguyên tắc tổ chức phiên tòa, nội quy phòng xử án, việc bảo vệ phiên tòa và thực hiện các quyết định của Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử và được áp dụng đối với các phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử và giải quyết vụ việc dân sự, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

3

Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP biểu mẫu trong tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 24/02/2017 ban hành 93 biểu mẫu trong tố tụng dân sự. Một số mẫu đơn đáng chú ý như: Mẫu Đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá tài sản; Đơn khởi kiện; Đơn kháng cáo; Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm.

4

Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 01/12/2020 hướng dẫn một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định cụ thể tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 4 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP.

5

Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 01/07/2017 hướng dẫn một số quy định về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như:

- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

6

Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 92/2015/QH13, Luật tố tụng hành chính 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực 15/02/2017 hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng khác (người khởi kiện, người tham gia tố tụng) với Tòa án trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính.

7

Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành quy định của Nghị quyết 103/2015/QH13 về thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết 104/2015/QH13 về thi hành Luật tố tụng hành chính do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực 01/08/2016 hướng dẫn một số nội dung sau:

- Áp dụng pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính;

- Áp dụng pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016;

- Áp dụng pháp luật về án phí để giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn;

- Áp dụng pháp luật về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính;

- Áp dụng pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình.

8

Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP về biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực 01/10/2018 về ban hành 33 biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự.
Một số mẫu đáng chú ý bao gồm: Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự; Đơn rút yêu cầu giải quyết việc dân sự; Thông báo trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự; Thông báo thụ lý việc dân sự; Giấy triệu tập người làm chứng; Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự; Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự; Quyết định đình chỉ giải quyết sơ thẩm việc dân sự; Quyết định đình chỉ giải quyết phúc thẩm việc dân sự.

9

Quyết định 399/QĐ-VKSTC năm 2019 quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Quyết định 399/QĐ-VKSTC năm 2019 có hiệu lực ngày 06/09/2019 quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án bao gồm: Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm; Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; Quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Quyết định giám đốc thẩm và Quyết định tái thẩm.

10

Quyết định 364/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Quyết định 364/QĐ-VKSTC năm 2017 có hiệu lực 02/10/2017 quy định về Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

11

Công văn 55/TANDTC-PC năm 2018 về tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Công văn 55/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực ngày 20/03/2018 về tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.
Vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây được tính là vụ việc hòa giải thành:
- Các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án; Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 và Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Sau khi hòa giải, nguyên đơn rút đơn khởi kiện; Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; dân sự với lý do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ chồng thống nhất đoàn tụ cũng được xác định là trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện (theo hướng dẫn tại Mục 4 Phần II Giải đáp số 01/2018/TANDTC-GĐ ngày 05-01-2018 của Tòa án nhân dân tối cao).
- Vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được Thẩm phán tiến hành hòa giải mà sau khi hòa giải, vợ, chồng không đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản chung; Tòa án quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại các Điều 212, 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ; Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

12

Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Quy định vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC có hiệu lực 30/09/2016 quy định vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
- Các thủ tục tại thông tư liên tịch này bao gồm: Ra quyết định thi hành án; Thông báo về thi hành án; Xác minh điều kiện thi hành án; Kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án; Bán đấu giá tài sản để bảo đảm thi hành án; Thanh toán tiền thi hành án; Việc yêu cầu Tòa án giải thích đối với bản án, quyết định; Việc kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Việc thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới; Việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Công tác phối hợp trong thi hành án dân sự được quy định cụ thể tại Chương II Thông tư liên tịch này.

13

Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP về quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP có hiệu lực 01/02/2018 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp và việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

14

Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành quy định của Bộ luật tố tụng dân sự

Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực ngày 18/10/2016 quy định về việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án trong kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự; tham gia phiên tòa, phiên họp của Tòa án; chuyển hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, gửi văn bản tố tụng; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.138.10
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!