Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
04/10/2024 11:00 AM

Bài viết sau có nội dung về xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục trong Thông tư 56/2022/TT-BTC.

Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục

Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục (Hình từ Internet)

1. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 56/2022/TT-BTC thì đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC và các quy định sau:

- Các khoản thu xác định mức tự chủ tài chính (A) của đơn vị là tổng các khoản thu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC, trong đó bao gồm:

+ Nguồn thu học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (sau đây gọi là Nghị định 81/2021/NĐ-CP);

+ Nguồn ngân sách nhà nước cấp bù đối với các cơ sở giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (căn cứ theo số lượng người thực tế đang học và dự kiến tuyển mới tại thời điểm xây dựng phương án xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị);

+ Nguồn thu từ cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả nguồn thu từ ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định).

- Các khoản chi xác định mức tự chủ tài chính (B) của đơn vị là tổng các khoản chi theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC.

- Ví dụ cụ thể về việc xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tại Mục A Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 56/2022/TT-BTC.

2. Lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định 81/2021/NĐ-CP như sau:

- Lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Học phí thực hiện theo lộ trình tính đủ chi phí quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

- Căn cứ chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu được chủ động thực hiện lộ trình tính đủ chi phí vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo tương xứng với chất lượng giáo dục, đào tạo; đồng thời phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 587

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn