Quy định về logo doanh nghiệp và thủ tục đăng ký logo doanh nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
28/11/2023 11:03 AM

Logo doanh nghiệp là một trong những dấu hiệu nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Vậy có những quy định nào liên quan đến logo doanh nghiệp?

Quy định về logo doanh nghiệp

Hiện nay, logo doanh nghiệp là một trong những dấu hiệu nhận diện thương hiệu quan trọng của doanh nghiệp. Logo doanh nghiệp được thể hiện bằng những dấu hiệu là chữ cái, hình ảnh,… mà người xem có thể nhận diện được bằng mắt thường và có sự khác biệt với những logo của doanh nghiệp khác.

Hiện nay, chưa có quy định bắt buộc đăng ký logo doanh nghiệp, nhưng với những gì thực tế xảy ra tranh chấp thương hiệu thì việc đăng ký logo doanh nghiệp theo pháp luật về sở hữu trí tuệ là điều cần thiết.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 14) thì logo doanh nghiệp có thể được bảo hộ quyền tác giả dưới các loại sau:

- Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng.

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm. (Nghị định 17/2023/NĐ-CP)

- Nhãn hiệu.

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nếu xét về giá trị bảo hộ thì logo doanh nghiệp chọn đăng ký tác phẩm mỹ thuật sẽ yếu hơn so với đăng ký nhãn hiệu, vì chỉ khi doanh nghiệp khác có logo giống hệt hoặc giống đến mức tối đa, người đó mới bị vi phạm bản quyền, trong khi với nhãn hiệu chỉ cần có dấu hiệu trùng hoặc tương tự là đã vi phạm.

Quy định về logo doanh nghiệp và thủ tục đăng ký logo doanh nghiệp

Quy định về logo doanh nghiệp và thủ tục đăng ký logo doanh nghiệp (Hình từ internet)

Thủ tục đăng ký logo doanh nghiệp

Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp có thể đăng ký logo doanh nghiệp bằng 2 hình thức: đăng ký nhãn hiệu và đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

- Bước 1: Tiếp nhận đơn

Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

- Bước 2: Thẩm định hình thức đơn.

Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn).

+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

- Bước 3: Công bố đơn

Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

- Bước 4: Thẩm định nội dung đơn

Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

- Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. (Xem thêm tại Quyết định 3675/QĐ-BKHCN năm 2017)

Thủ tục đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Theo Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan bao gồm:

(1) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

(2) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

(3) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;

(4) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;

(5) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

(6) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ trong trường hợp từ chối hồ sơ.

Sử dụng logo doanh nghiệp khác bị xử lý ra sao?

Việc sử dụng Logo doanh nghiệp nhưng không xin phép là hành vi vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ và sẽ bị xử lý theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, Cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng – 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng: bán chào hàng, vận chuyển, tàng trữ, trưng bày để bán hàng hóa dịch vụ, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại chỉ dẫn địa lý kiểu dáng công nghiệp;

Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP trong trường hợp giá trị hàng hóa dịch vụ vi phạm từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa dịch vụ vi phạm từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,932

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn