Hướng dẫn điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
27/08/2024 18:15 PM

Nội dung bài viết hướng dẫn điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.

Hướng dẫn điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp 2024

Hướng dẫn điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp 2024 (Hình ảnh từ Internet)

1. Điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

Theo Điều 9 Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như sau:

- Phù hợp với quy hoạch, nội dung quy hoạch sau đây:

+ Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;

+ Có trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với khu công nghiệp nằm trong ranh giới khu kinh tế;

+ Phù hợp với quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Khu công nghiệp trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP phải được phân kỳ đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500 ha phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không quá 500 ha;

+ Khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa trên 200 ha ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 200 ha;

+ Khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa trên 150 ha ở vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 150 ha;

+ Khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa trên 100 ha ở vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 100 ha.

- Khu công nghiệp thu hút các dự án đầu tư thực hiện cụm liên kết ngành với tổng vốn đầu tư của các dự án trong cụm liên kết ngành tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ hoặc 45.000 tỷ đồng được xem xét đầu tư giai đoạn đầu có quy mô diện tích không quá 1.000 ha. Các giai đoạn tiếp theo (nếu có) thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

- Dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng, văn phòng, kho bãi) để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất. Trường hợp đầu tư loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao thì không phải thực hiện điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

- Có khả năng đáp ứng các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Tại thời điểm trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hợp lệ theo quy định của pháp luật về đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tối thiểu là 60%, trừ các trường hợp sau đây:

+ Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã được thành lập trước đó nhưng bị chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc có quyết định hủy bỏ dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

+ Tổng diện tích đất của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1.000 ha trở xuống;

+ Địa điểm của khu công nghiệp tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong khu kinh tế đã được thành lập;

+ Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo các loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao theo quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP;

+ Trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

- Có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp mở rộng trên cơ sở khu công nghiệp đã được thành lập trước đó và có cùng nhà đầu tư thực hiện hoặc sử dụng vốn đầu tư công thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Khu công nghiệp đã được thành lập trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu là 60% và đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Khu công nghiệp mở rộng có khả năng kết nối, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với khu công nghiệp đã được thành lập trước đó;

+ Đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp đã được thành lập trước đó theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 7 Điều 9 Nghị định 35/2024/NĐ-CP.

2. Hướng dẫn điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp 2024

- Trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

- Điều kiện, trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định sau đây:

+ Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư phải có nội dung giải trình việc đáp ứng các quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 35/2022/NĐ-CP;

+ Nội dung thẩm định điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về đầu tư và việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 35/2022/NĐ-CP (nếu có).

- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được điều chỉnh giảm quy mô diện tích và không phải điều chỉnh phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quy hoạch nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ đầu tư của khu công nghiệp;

+ Điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp để dành một phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp theo quy định tại khoản 9 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 như sau:

Đối với địa phương gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp (đối với các khu công nghiệp thành lập trước ngày 01/7/2014) để dành một phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp sau khi điều chỉnh quy hoạch phải nằm ngoài phạm vi ranh giới địa lý của khu công nghiệp và bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

+ Giảm quy mô diện tích của khu công nghiệp để hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh;

+ Do điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

(Theo Điều 11 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 511

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn