Kế toán thuế là gì? Dịch vụ kế toán thuế là làm những công việc gì?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
10/11/2023 18:45 PM

Trong doanh nghiệp, kế toán thuế là gì và làm những công việc gì? Dịch vụ kế toán được quy định thế nào theo pháp luật về kế toán?

Kế toán thuế là gì?

Thông thường các doanh nghiệp sẽ có bộ phận kế toán để thực hiện công việc kế toán như thực hiện các thủ tục thuế và nghiệp vụ kế toán, hoàn thiện sổ sách kế toán, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thanh tra, quyết toán thuế.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người làm kế toán thuế chưa có kinh nghiệm, thiếu cập nhật kiến thức pháp luật thuế,... dễ dẫn đến rủi ro, nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn dịch vụ kế toán thuế.

Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động.

Còn kế toán thuế là gì? - Có thể hiểu đó là việc thực hiện các công việc phục vụ cho nghĩa vụ khai báo và nộp thuế với nhà nước cho doanh nghiệp, giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được minh bạch và rõ ràng hơn, hạn chế những rủi ro về thuế trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Luật Kế toán quy định: Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật Kế toán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Dịch vụ kế toán thuế là làm những công việc gì?

Dịch vụ kế toán thuế là làm những công việc gì? (Hình từ internet)

Một số quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán thuế

Việc kinh doanh dịch vụ kế toán thuế cũng phải đảm bảo các quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán theo Luật Kế toánNghị định 174/2016/NĐ-CP:

- Đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán bao gồm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.

- Thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán

+ Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh; tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước và đơn vị kế toán khác quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 174/2016/NĐ-CP được thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán. Tổ chức đơn vị sự nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước có thể thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định.

+ Đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán khi cử người làm dịch vụ kế toán cho khách hàng phải đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 51, Điều 56, Điều 58 Luật Kế toán và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán hoặc không được cung cấp dịch vụ kế toán quy định tại Điều 19 và Điều 25 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.

+ Đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán khi cử người làm dịch vụ kế toán trưởng, phụ trách kế toán cho khách hàng phải đảm bảo quy định tại Điều 56, 58 Luật Kế toán, Điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán hoặc không được cung cấp dịch vụ kế toán quy định tại Điều 19 và Điều 25 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.

+ Người được thuê làm dịch vụ kế toán có quyền và trách nhiệm của người làm kế toán quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 51 Luật Kế toán. Người được thuê dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán có quyền và trách nhiệm của kế toán trưởng quy định tại Điều 55 Luật kế toán.

+ Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán phải chịu trách nhiệm về việc thuê dịch vụ làm kế toán, thuê dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán.

- Cung cấp dịch vụ kế toán của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế:

Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ khi có ít nhất một người có chứng chỉ kế toán viên.

Các công việc dịch vụ kế toán thuế giúp doanh nghiệp

Dịch vụ kế toán có thể giúp doanh nghiệp thực hiện một số công việc sau đây:

+ Tư vấn cách thức xuất hóa đơn cho doanh nghiệp;

+ Tư vấn sử dụng hóa đơn đầu vào, đầu ra hợp lý cho doanh nghiệp;

+ Nhận hóa đơn, chứng từ kế toán của doanh nghiệp để kê khai, báo cáo thuế, lập báo cáo tài chính.

+ Phân loại, kiểm tra tính hợp lệ hóa đơn của doanh nghiệp.

+ Tư vấn cân đối thuế GTGT đầu vào, đầu ra cho doanh nghiệp.

+ Lập tờ khai và nộp báo cáo thuế theo thời hạn quy định, lập tờ khai và báo thuế TNCN, tạm tính thuế TNDN.

+ Hoàn thiện chứng từ kế toán theo quy định để chuyển doanh nghiệp lưu trữ.

+ Xây dựng, hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, tài khoản kế toán, khấu hao tài sản, thu chi, kho, chứng từ ngân hàng, bảo hiểm, lao động đi kèm theo đúng quy định đảm bảo tốt nhất cho quá trình quyết toán thuế của doanh nghiệp về sau.

+ Hoàn thiện tờ khai và nộp quyết toán thuế TNCN, thuế TNDN.

+ Lập và nộp báo cáo tài chính cuối năm cho công ty.

… Và một số công việc liên quan đến kế toán thuế khác.

Trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán

Theo Luật Kế toán, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không được cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị kế toán khác khi người có trách nhiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, người đại diện hộ kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc người trực tiếp thực hiện dịch vụ kế toán của doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc các trường hợp sau đây:

- Là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý, điều hành, kế toán trưởng của đơn vị kế toán, trừ trường hợp đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định;

- Có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó;

- Không đủ năng lực chuyên môn hoặc không đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ kế toán;

- Đang cung cấp dịch vụ làm kế toán trưởng cho khách hàng là tổ chức có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó;

- Đơn vị kế toán yêu cầu thực hiện những công việc không đúng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hoặc không đúng với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, tài chính;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,771

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]