Điều kiện để công dân, tổ chức nước ngoài góp tài sản thành lập quỹ từ thiện

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
08/08/2023 19:00 PM

Xin cho tôi hỏi công dân, tổ chức nước ngoài muốn góp tài sản thành lập quỹ từ thiện phải cần có những điều kiện gì? - Thanh Tú (Đồng Nai)

Điều kiện để công dân, tổ chức nước ngoài góp tài sản thành lập quỹ từ thiện

Điều kiện để công dân, tổ chức nước ngoài góp tài sản thành lập quỹ từ thiện (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện để công dân, tổ chức nước ngoài góp tài sản thành lập quỹ từ thiện

Cụ thể tại Điều 12 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ như sau:

- Cá nhân, tổ chức nước ngoài được góp tài sản cùng công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ ở Việt Nam.

- Điều kiện đối với công dân, tổ chức nước ngoài:

+ Phải có cam kết nộp thuế và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đóng góp;

+ Cam kết thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam và mục đích hoạt động của quỹ;

+ Có tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP.

- Tài sản đóng góp thành lập quỹ của cá nhân, tổ chức nước ngoài không được vượt quá 50% số tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định của Nghị định 93/2019/NĐ-CP.

2. Quy định về tài sản đóng góp thành lập quỹ từ thiện

Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về tài sản đóng góp thành lập quỹ như sau:

- Tài sản đóng góp thành lập quỹ gồm:

+ Tiền đồng Việt Nam;

+ Tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (bao gồm: Hiện vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác) của công dân, tổ chức Việt Nam là sáng lập viên, của cá nhân, tổ chức nước ngoài góp với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ.

Đối với tài sản là trụ sở, trang thiết bị, công nghệ phải do tổ chức thẩm định giá được thành lập hợp pháp định giá, thời điểm định giá tài sản không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ thành lập quỹ;

+ Trường hợp tài sản đóng góp thành lập quỹ bao gồm cả tài sản khác không bao gồm tiền đồng Việt Nam thì số tiền đồng Việt Nam phải đảm bảo tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản.

- Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:

+ Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);

+ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);

+ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);

+ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).

- Đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:

+ Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng);

+ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng);

+ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng);

+ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).

- Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ không bị tranh chấp hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác.

3. Thủ tục cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ từ thiện

Theo Điều 17 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định thủ tục cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ như sau:

- Khi tiếp nhận hồ sơ về quỹ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP có trách nhiệm lập phiếu tiếp nhận hồ sơ để làm căn cứ xác định thời hạn giải quyết.

Nội dung phiếu tiếp nhận hồ sơ gồm: Ngày, tháng, năm và phương thức tiếp nhận; thông tin về hồ sơ; thông tin bên gửi, bên nhận. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2019/NĐ-CP thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

- Chậm nhất sau 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP có trách nhiệm cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

- Đối với quỹ được thành lập mới thì giấy phép thành lập quỹ đồng thời là giấy công nhận điều lệ quỹ.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,135

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn