Thời hạn giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa là bao lâu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
23/06/2023 16:32 PM

Cho tôi hỏi sản phẩm văn hóa nào được giám định tư pháp? Thời hạn giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa là bao lâu? - Công Hậu (Tiền Giang)

Thời hạn giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa là bao lâu?

Thời hạn giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa là bao lâu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Sản phẩm văn hóa là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2019/TT-BVHTTDL, sản phẩm văn hóa là sản phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật.

Những sản phảm văn hóa được tiến hành giám định là các sản phẩm theo quy định trên (trừ di vật, cổ vật và lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) (Điều 1 Thông tư 08/2019/TT-BVHTTDL)

2. Thời hạn giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa là bao lâu?

Cụ thể tại Điều 6a Thông tư 08/2019/TT-BVHTTDL (bổ sung tại Thông tư 03/2021/TT-BVHTTDL) quy định về thời hạn giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa như sau:

(1) Thời hạn giám định tối đa là 02 tháng tính theo quy định tại khoản 1 Điều 26a Luật Giám định tư pháp được bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Điều 26a. Thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định

1. Thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.

Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.

(2) Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa quy định tại (1).

(3) Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định nhưng không được vượt quá thời hạn quy định tại (1) và (2).

(4) Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở để cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

3. Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp

Việc thực hiện hoạt động giám định tư pháp phải đảm bảo tuân thủ theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), cụ thể như sau:

- Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định.

- Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời.

- Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.

4. Các chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp

Các chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp bao gồm:

- Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

- Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có đóng góp tích cực cho hoạt động giám định tư pháp thì được tôn vinh, khen thưởng.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế và thẩm quyền của mình quy định chế độ, chính sách khác để thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp.

(Điều 38 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020))

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 948

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn