Vùng trời quốc gia của Việt Nam được quy định như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
20/09/2022 16:59 PM

Cho tôi hỏi vùng trời quốc gia được quy định như thế nào? Chế độ pháp lý khi đi qua vùng trời quốc gia Việt Nam ra sao? - Hải Minh (Bình Phước)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vùng trời quốc gia được quy định như thế nào?

Theo Điều 1 Luật Biên giới Quốc gia 2003, biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời, khoản 5 Điều 5 Luật Biên giới Quốc gia 2003 cũng quy định biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.

Như vậy, vùng trời quốc gia của Việt Nam là khoảng không gian bao trùm trên vùng đất và vùng nước thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Biên giới quốc gia của vùng trời là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.

Vùng trời quốc gia của Việt Nam được quy định như thế nào?

Vùng trời quốc gia của Việt Nam được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

2. Quy định khi đi qua vùng trời Việt Nam

Điều 15 Luật Biên giới Quốc gia 2003 quy định việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ vùng trời Việt Nam phải tuân thủ quy định đi theo các tuyến đường hàng không.

Người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới quốc gia trên không phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 20 Luật Biên giới Quốc gia 2003 cũng quy định tàu bay chỉ được bay qua biên giới quốc gia và vùng trời Việt Nam sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép, phải tuân thủ sự điều hành, kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan quản lý bay Việt Nam, tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập

Lưu ý: Theo Điều 12 Luật Biển Việt Nam về chế độ pháp lý của lãnh hải, Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,736

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn