Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
27/08/2022 15:23 PM

Tổ chức, cá nhân để được cấp giấy phép hoạt động điện lực cần phải đáp ứng các điều kiện gì? - Hồng Loan (Tiền Giang)

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hoạt động điện lực là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012), hoạt động điện lực là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.

Hiện nay, theo Thông tư 21/2020/TT-BCT, các lĩnh vực trong hoạt động điện lực bao gồm:

- Tư vấn chuyên ngành điện

- Phát điện.

- Truyền tải điện.

- Phân phối điện.

- Bán buôn điện

- Bán lẻ điện.

2. Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động điện lực

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực. Theo đó, theo khoản 2 Điều 32 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012), để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như sau:

- Có dự án hoặc phương án hoạt động điện lực khả thi;

- Có hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực;

- Người quản trị, người điều hành có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực hoạt động điện lực.

3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực

Cụ thể tại Điều 33 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012), cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ sau đây để đề nghị cấp phép hoạt động điện lực:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực.

- Dự án hoặc phương án hoạt động điện lực.

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hoạt động điện lực đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người quản trị, người điều hành đơn vị điện lực.

4. Thời hạn cấp giấy phép hoạt động điện lực

Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp hoặc sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. (Theo Điều 36 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012))

5. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực

Theo khoản 1, 2 Điều 38 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012), các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực như sau:

- Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực.

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động điện lực cho tổ chức, cá nhân có hoạt động điện lực với quy mô nhỏ trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Công thương.

Trong đó, việc cấp giấy phép hoạt động điện lực về phát điện, truyền tải, phân phối điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt. (Theo khoản 4 Điều 38 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012)

6. Nội dung của giấy phép hoạt động điện lực

Các nội dung có trong giấy phép hoạt động điện lực bao gồm:

- Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

- Loại hình hoạt động điện lực.

- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

- Phạm vi hoạt động điện lực.

- Kỹ thuật, công nghệ sử dụng trong hoạt động điện lực.

- Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực.

(Theo Điều 35 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012)

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,344

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn