Dân phòng có quyền điều khiển, xử phạt giao thông không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
05/04/2022 10:08 AM

Hiện nay, có nhiều trường hợp người điều khiển giao thông không phải là cảnh sát giao thông mà là các đối tượng mặc đồng phục Công an cấp xã, dân phòng, bảo vệ khu phố… Vậy đối tượng là dân phòng có được quyền điều khiển, xử phạt giao thông hay không?

Dân phòng có quyền điều khiển, xử phạt giao thông không?

Dân phòng có quyền điều khiển, xử phạt giao thông không? (Ảnh minh họa)

1. Dân phòng là ai?

Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm dân phòng.

Tuy nhiên, khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 quy định đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.

Theo đó, dân phòng là tổ chức có 02 nhiệm vụ chính:

- Tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy;

- Giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.

Trước đây, tại Điều 2 dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã đề xuất gọi chung lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Tuy nhiên, đến nay dự thảo này vẫn chưa được thông qua. 

Nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng là bảo vệ dân phố theo Điều 6 Nghị định 38/2006/NĐ-CP quy định khác so với đội dân phòng. Cụ thể, bảo vệ dân phố có quyền:

- Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.

- Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.

Hiện nay, tại các địa phương thường thành lập các đội dân phòng, bảo vệ khu phố hoặc Công an xã bán chuyên trách đảm nhiệm (một người đảm nhận 2 nhiệm vụ).

Đội dân phòng ngoài việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì còn thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và những nhiệm vụ này có tính chất tương đồng so với nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách.

Như vậy, mặc dù lực lượng dân phòng hiện nay cũng thực hiện một số nhiệm vụ khá giống với bảo vệ dân phố hay Công an xã bán chuyên trách nhưng các tổ chức này không phải là một.

2. Dân phòng có được điều khiển, xử phạt giao thông không?

Điều 7 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định, cảnh sát giao thông là lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình…

Đồng thời, Nghị định 27/2010/NĐ-CP cũng quy định trong trường hợp cần thiết, các lực lượng cảnh sát khác (cảnh sát trật tự; phản ứng nhanh; cơ động; cảnh sát bảo vệ; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) và công an xã, phường, thị trấn được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, ATGT đường bộ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo quy định trên, việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ được tiến hành trong các trường hợp cần thiết quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2010/NĐ-CP, bao gồm: 

- Trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị - xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương.

- Các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội hoặc của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp.

- Trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, dân phòng không thuộc các đối tượng được điều động hỗ trợ CSGT kiểm soát trật tự, ATGT đường bộ (điều khiển giao thông, xử phạt, dừng xe người tham gia giao thông…). Tuy nhiên, đội dân phòng có thể thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ  giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú theo quyền hạn của mình khi xảy ra mất trật tự ATGT như giải tán đám đông khi xảy ra tai nạn, xử lý ùn tắc giao thông...

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,967

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn