Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Trong đó, đáng chú ý là quy định về bảo vệ, khen thưởng người tố cáo đúng hành vi chạy chức, chạy quyền của người khác.
Cụ thể, đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Đồng thời, cần phải xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác.
Luật sư Nguyễn Thụy Hân, Phụ trách mạng Cộng Đồng Ngành Luật của LawSoft chia sẻ: “Thực tế, nhiều người phát hiện ra hành vi tiêu cực chạy chức, chạy quyền nhưng không dám tố cáo với cơ quan có thẩm quyền vì sợ bị đe dọa, hành hung, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình và gia đình. Việc quy định bảo vệ người phản ánh, tố cáo hành vi chạy chức, chạy quyền như trên là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn; song, cần phải có chính sách cụ thể, những người thực thi cần sốt sắng bảo vệ người phản ánh, tố cáo tiêu cực như bảo vệ chính người thân của mình thì mới có hiệu quả, hiệu lực. Từ đó, người dân mới mạnh dạn hiến thân vào công tác giám sát, bảo vệ, góp ý xây dựng Đảng vững mạnh”.
Ngoài ra, tại Quy định 205 này, còn yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ở cơ quan, đơn vị mình.
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2019 và phổ biến đến chi bộ.
Hữu Phạm