Chính sách mới >> Tham nhũng 26/10/2024 09:30 AM

Xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm khác trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo Quy định 189

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
26/10/2024 09:30 AM

Dưới đây là quy định về xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm khác trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo Quy định 189-QĐ/TW năm 2024.

Xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm khác trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo Quy định 189 (Hình từ internet)

Ngày 08/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm khác trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo Quy định 189

Theo đó, Quy định 189-QĐ/TW điều chỉnh về nguyên tắc, chủ thể, phạm vi, phương thức, trách nhiệm, quyền hạn và xử lý trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 

Trong đó, quy định về xử lý vi phạm trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công như sau:

(1) Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo

Điều 15 Quy định 189-QĐ/TW năm 2024 thì các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo vi phạm các nội dung nêu tại Quy định 189-QĐ/TW thì phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

(2) Đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu)

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công vi phạm các nội dung quy định thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình và trách nhiệm với cương vị là người đứng đầu để cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo vi phạm các hành vi nêu tại Điều 8, Điều 9 Quy định 189-QĐ/TW thì bị xử lý theo quy định hiện hành của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Ngoài ra, nếu cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đang công tác khi có hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đề nghị, kết luận của cơ quan có thẩm quyền còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:

- Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

- Tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn, bổ nhiệm lại, tái cử, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn hoặc tương đương, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng.

(Điều 16 Quy định 189-QĐ/TW năm 2024)

Theo Quy định 189-QĐ/TW năm 2024 thì: 

- Quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là việc sử dụng cơ chế, chế tài, biện pháp để cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng, sử dụng quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để tham nhũng, tiêu cực.

- Tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là những hành vi cố ý, do ý chí chủ quan của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, cá nhân trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công hoặc những hành vi trái với chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chuẩn mực đạo đức của người thực thi nhiệm vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

- Tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn đó để trục lợi.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 843

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]