Chính sách mới >> Tham nhũng 26/10/2024 10:15 AM

10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
26/10/2024 10:15 AM

Bài viết dưới đây sẽ nêu ra 10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công được quy định cụ thể tại Quy định 189-QĐ/TW năm 2024.

10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công

10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công (Hình từ Internet)

Ngày 08/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; trong đó nêu ra 10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công.

10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công

Theo Điều 9 Quy định 189-QĐ/TW năm 2024, các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm:

(1) Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.

(2) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.

(3) Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.

(4) Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.

(5) Sử dụng tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.

(6) Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.

(7) Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.

(8) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.

(9) Thực hiện không đúng quy định trong quản lý quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài sản của Đảng, Nhà nước.

(10) Các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Chủ thể kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sử dụng tài sản công

Cụ thể tại Điều 4 Quy định 189-QĐ/TW năm 2024, các chủ thể kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công bao gồm:

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương.

- Cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của cấp uỷ, tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy; tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; đảng đoàn hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy ban kiểm tra, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

- Các cấp ủy, tổ chức đảng khác có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công: Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan báo chí, Nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sử dụng tài sản công

Việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải tuân thủ các nguyên tắc như sau:

- Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối của Đảng; chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

- Quyền lực nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất; bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng đắn, hiệu quả; mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực phải được ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời.

- Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước.

- Nội dung kiểm soát phải toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động kiểm soát phải tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

(Điều 2 Quy định 189-QĐ/TW năm 2024)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 756

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]