Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 12 Nghị định 119/2018/NĐ-CP:
Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”
Điều 12. Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
“1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”
Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến 31/10/2020, Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP vẫn có hiệu lực thi hành.
Do vậy, việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong thời gian này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 31/2011/TT-BTC và Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần (kể cả trường hợp người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) và trường hợp bán hàng hóa dịch vụ có giá trị dưới 200.000 đồng, người mua yêu cầu lấy hóa đơn thì:
- Công ty phải lập hóa đơn theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC và Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi,...
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.
Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sinh trong ngày.
Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.”
Điều 18. Bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn
“1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.”
Kể từ khi HĐĐT có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP triển khai thì doanh nghiệp bán hàng hóa dịch vụ phải lập HĐĐT có mã số của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã số của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Châu Thanh