Luật mới về giấy tờ tùy thân quan trọng của người dân sẽ có hiệu lực từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/05/2024 10:31 AM

Từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước 2023 sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là luật có những thay đổi quan trọng liên quan đến giấy tờ tùy thân quen thuộc của người dân.

Luật mới về giấy tờ tùy thân quan trọng của người dân sẽ có hiệu lực từ 01/7/2024

Luật mới về giấy tờ tùy thân quan trọng của người dân sẽ có hiệu lực từ 01/7/2024 (Hình từ Internet)

Luật mới về giấy tờ tùy thân quan trọng của người dân sẽ có hiệu lực từ 01/7/2024

Từ ngày 01/7/2024, sẽ có một luật mới liên quan đến giấy tờ tùy thân quan trọng của công dân sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là Luật Căn cước 2023 – luật này sẽ thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014.

Luật Căn cước 2023 là luật được được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023.

Luật này quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

So với Luật Căn cước công dân 2014, Luật Căn cước 2023 sẽ có những thay đổi quan trọng liên quan đến thẻ căn cước công dân – một giấy tờ tùy thân quan trọng của người dân, mà sau ngày 01/7/2024 sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước, cụ thể:

(1) Chính thức khai tử Chứng minh nhân dân từ năm 2025

Cụ thể, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Đối với chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Theo đó, kể từ năm 2025, Chứng minh nhân dân sẽ không còn giá trị sử dụng cho dùng vẫn còn thời hạn sử dụng.

Lưu ý: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

(2) Thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân được cấp theo Luật Căn cước công dân 2014

Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp thẻ căn cước công dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Trường hợp thẻ Căn cước công dân vẫn còn hạn sử dụng sau ngày 01/7/2024 mà có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước mới theo Luật Căn cước 2023 thì có thể thực hiện thủ tục cấp đổi theo quy định mới.

(3) Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước

Theo đó, các nội dung trên Thẻ Căn cước mới sẽ không còn thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.

(4) Công dân dưới 06 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước

Ngoài việc công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên vẫn phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước như quy định Luật Căn cước công dân 2014, thì Luật mới này bổ sung thêm đối dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi sẽ do người đại diện hợp pháp thực hiện thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

(5) Sẽ thu thập thông tin khuôn mặt, vân tay, mống mắt khi làm thẻ căn cước

Việc thu thập thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt khi làm thẻ căn cước chỉ được thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.

Còn đối với người dưới 06 tuổi khi làm theo căn cước theo nhu cầu thì sẽ không thu thập thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học (gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói). Riêng công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước, cơ quan sẽ chỉ thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt.

Đối với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

(6) Mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp 01 căn cước điện tử

Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (VNeID).

Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

(7) Luật Căn cước 2023 hướng dẫn chuyển đổi sang thẻ Căn cước mới sau ngày 01/7/2024

Dựa theo nội dung tại (1), (2) thì việc chuyển đổi sang thẻ Căn cước mới sau ngày 01/7/2024 sẽ được thực hiện như sau:

- Đối với thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 mà vẫn có giá trị sử dụng (theo thời hạn được in trên thẻ), nếu có nhu cầu đổi thì người dân vẫn có thể đổi theo quy định mới.

- Trường hợp thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024 và sau thời hạn này, người dân bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định mới.

- Đối với chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024 và sau ngày này, người dân cũng bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước mới.

Xem thêm: Điểm mới của Luật Căn cước 2023 áp dụng từ ngày 01/7/2024 mà người dân cần biết

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,162

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn