Các thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
14/06/2024 14:15 PM

Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/7/2024. Theo đó, những thông tin sau đây sẽ được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Các thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

1. Cơ sở dữ liệu căn cước là gì?

Cơ sở dữ liệu căn cước là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước về căn cước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(Khoản 7 Điều 3 Luật Căn cước 2023)

2. Các thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước từ 01/7/2024

Theo Điều 15 Luật Căn cước 2023 các thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm:

- Thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18, khoản 24 và khoản 25 Điều 9  Luật Căn cước 2023. Cụ thể:

1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh.

2. Tên gọi khác.

3. Số định danh cá nhân.

4. Ngày, tháng, năm sinh.

5. Giới tính.

6. Nơi sinh.

7. Nơi đăng ký khai sinh.

8. Quê quán.

9. Dân tộc.

10. Tôn giáo.

11. Quốc tịch.

12. Nhóm máu.

13. Số chứng minh nhân dân 09 số.

14. Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.

15. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.

16. Nơi thường trú.

17. Nơi tạm trú.

18. Nơi ở hiện tại.

...

24. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

25. Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

- Thông tin nhân dạng.

- Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

- Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.

- Trạng thái của căn cước điện tử. Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử.

3. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước

Thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định tại Điều 16 Luật Căn cước 2023 như sau:

- Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được thu thập, cập nhật, điều chỉnh từ các nguồn sau đây:

+ Từ việc kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác;

+ Từ tàng thư căn cước; hồ sơ cấp, quản lý thẻ căn cước; hồ sơ cấp, quản lý giấy chứng nhận căn cước;

+ Từ cá nhân là chủ thể của thông tin, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

+ Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

- Chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định như sau:

+ Cơ sở dữ liệu căn cước được chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an quản lý để phục vụ công tác quản lý dân cư, quản lý căn cước và đấu tranh phòng, chống tội phạm;

+ Việc chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu khác ngoài cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

- Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định như sau:

+ Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ thông qua việc chia sẻ thông tin quy định tại khoản 2 Điều này hoặc thông qua hình thức gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước;

+ Cá nhân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu căn cước thông qua hình thức gửi yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước;

+ Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định nêu trên khi khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu căn cước phải gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước, cá nhân là chủ thể của thông tin được khai thác. 

Trường hợp khai thác thông tin của người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, người dưới 14 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước và một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định dưới đây;

+ Người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, người dưới 14 tuổi khai thác thông tin của mình thông qua người đại diện hợp pháp.

Việc khai thác thông tin của người bị tuyên bố mất tích do người đại diện hợp pháp của người đó quyết định.

Việc khai thác thông tin của người đã chết do người được xác định là người thừa kế của người đó quyết định.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,386

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn