Các trường hợp thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ từ ngày 01/8/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
17/06/2024 16:00 PM

Từ 01/8/2024 sẽ có 05 hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ, trong đó có quy định các trường hợp thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

Các trường hợp thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ từ ngày 01/8/2024 (Hình từ internet)

Ngày 05/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2024/NĐ-CP quy định về phát triển và quản lý chợ.

1. Các trường hợp thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ từ ngày 01/8/2024 

Theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 60/2024/NĐ-CP quy định tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thanh lý trong các trường hợp sau:

- Tài sản bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả (không thể phục hồi theo công năng của tài sản);

- Phá dỡ tài sản cũ để đầu tư xây dựng tài sản mới theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch làm cho một phần hoặc toàn bộ tài sản không sử dụng được theo công năng của tài sản. 

Trường hợp thu hồi đất gắn liền với tài sản kết cấu hạ tầng chợ thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng hình thức thanh lý theo quy định tại Điều 30 Nghị định 60/2024/NĐ-CP;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ từ ngày 01/8/2024 

Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 60/2024/NĐ-CP như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp tỉnh quản lý;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý.

3. Quy định về việc thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thực hiện theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ

Việc thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thực hiện theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ như sau:

- Vật tư, vật liệu thu hồi nếu có thể tiếp tục sử dụng thì đối tượng được giao quản lý tài sản được tiếp tục sử dụng hoặc được sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng chợ mới theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Trường hợp đối tượng được giao quản lý tài sản không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được xử lý theo hình thức: điều chuyển, bán.

Đối với vật liệu, vật tư thu hồi được xử lý theo hình thức điều chuyển thì thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định 60/2024/NĐ-CP.

Đối với vật liệu, vật tư thu hồi được xử lý theo hình thức bán thì việc thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

(Khoản 3 Điều 30 Nghị định 60/2024/NĐ-CP)

4. Thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ từ ngày 01/8/2024

Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 60/2024/NĐ-CP như sau:

(1) Cơ quan, đơn vị có tài sản thuộc trường hợp quy định tại mục 1 lập hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cùng cấp. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị thanh lý tài sản (trong đó xác định cụ thể tài sản điều chuyển thuộc trường hợp nào theo quy định tại mục 1): 01 bản chính.

- Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (tên tài sản, giá trị tài sản): 01 bản chính.

- Hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

(2) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại mục 2 xem xét, quyết định thanh lý tài sản. Hồ sơ báo cáo gồm:

- Tờ trình của cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc của liên ngành về việc thanh lý tài sản: 01 bản chính.

- Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (tên tài sản, giá trị tài sản): 01 bản chính.

- Biên bản họp liên ngành hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị có liên quan: 01 bản sao.

- Hồ sơ quy định tại điểm (1) nêu trên: 01 bản sao.

(3) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại mục 2 xem xét, quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thanh lý tài sản không phù hợp.

Nội dung chủ yếu của Quyết định thanh lý tài sản gồm:

- Tên cơ quan, đơn vị có tài sản thanh lý;

- Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (tên tài sản, giá trị tài sản);

- Hình thức xử lý vật liệu, vật tư thu hồi (nếu còn sử dụng được); tên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận vật liệu, vật tư thu hồi (trường hợp đã xác định được đối tượng tiếp nhận);

- Lý do thanh lý (trong đó xác định cụ thể tài sản thanh lý thuộc trường hợp nào theo quy định tại mục 1);

- Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

(4) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại mục 2, cơ quan, đơn vị có tài sản thanh lý tổ chức thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có chức năng thực hiện phá dỡ, hủy bỏ tài sản; kiểm đếm, phân loại vật liệu, vật tư thu hồi. Việc xử lý vật tư, vật liệu thu hồi trong quá trình thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại mục (3).

Cơ quan, đơn vị được giao tài sản có trách nhiệm thực hiện kế toán giảm tài sản theo chế độ kế toán hiện hành; thực hiện báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Điều 34 Nghị định 60/2024/NĐ-CP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 419

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn