Tổng hợp mức phạt vi phạm về quyền và nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
10/06/2023 14:00 PM

Tôi muốn biết các mức phạt hành chính khi vi phạm về quyền và nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng theo Nghị định 31/2023/NĐ-CP? - Thu Trang (Long An)

Tổng hợp mức phạt vi phạm về quyền và nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng

Tổng hợp mức phạt vi phạm về quyền và nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 09/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt.

1. Mức phạt đối với hành vi vi phạm về quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng

Theo Điều 17 Nghị định 31/2023/NĐ-CP, các mức phạt đối với hành vi vi phạm về quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng được quy định như sau:

(1) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giống cây trồng đã được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ nhằm mục đích thương mại mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 Luật Sở hữu trí tuệ.

(2) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng quyền của chủ Bằng bảo hộ liên quan đến vật liệu nhân giống của giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng để thực hiện một trong các mục đích sau:

- Sản xuất hoặc nhân giống;

- Chế biến nhằm mục đích nhân giống;

- Chào hàng;

- Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường;

- Xuất khẩu;

- Nhập khẩu;

- Lưu giữ để thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 17 Nghị định 31/2023/NĐ-CP;

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 17 Nghị định 31/2023/NĐ-CP đối với giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ;

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 17 Nghị định 31/2023/NĐ-CP đối với giống cây trồng có nguồn gốc chủ yếu từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc chủ yếu từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác.

(3) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ để thực hiện các hành vi quy định tại (2), trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ đã có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống nhưng không thực hiện.

(4) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với việc sử dụng tên giống cây trồng trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ.

Ngoài hình thức phạt tiền, đối tượng có hành vi vi phạm còn phải chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra như sau:

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm quy định tại (1), (2), (3).

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định nêu trên.

2. Mức phạt đối với hành vi vi phạm về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng

Cụ thể tại Điều 18 Nghị định 31/2023/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ, tác giả giống cây trồng sẽ chịu các mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ theo quyết định bắt buộc chuyển giao của cơ quan có thẩm quyền;

+ Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo quy định;

+ Chủ Bằng bảo hộ không đáp ứng được điều kiện về tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ như tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng mà vẫn khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống;

+ Tác giả giống cây trồng không thực hiện đúng nghĩa vụ giúp chủ Bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng đã hết hiệu lực, bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng.

Ngoài ra còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 31/2023/NĐ-CP;

- Buộc nộp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định 31/2023/NĐ-CP.

Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2023.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,033

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn