Ô nhiễm do bụi mịn tại TPHCM ở mức rất cao: Ô nhiễm không khí đến mức nào thì phải nghỉ học nghỉ làm? (Hình từ internet)
Sáng 6/12, TPHCM xuất hiện sương mù dày đặc, nồng độ bụi mịn cao gấp hàng chục lần mức cho phép.
Hiện tượng trời mù mịt, che khuất tầm nhìn do ảnh hưởng bởi chất lượng không khí đi xuống này cũng đã xảy ra trong nhiều ngày nay.
Theo quy định thì môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng được xác định như sau:
- Trường hợp 1: Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp liên vùng, liên tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp ranh trở lên trong thời gian 03 ngày liên tục;
- Trường hợp 2: Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn trong thời gian 03 ngày liên tục.
Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng thì sẽ thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
- Hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ;
- Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học;
- Tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.
Đối với trường hợp 1 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với trường hợp 2 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp trên.
Căn cứ pháp lý: Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP
Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh được quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Một số nội dung được quy định chi tiết như sau:
- Về đánh giá chất lượng môi trường không khí ở địa phương: hiện trạng chất lượng môi trường không khí khu vực đô thị, nông thôn và các khu vực khác.
- Về đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; quan trắc môi trường không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính; kiểm kê phát thải; mô hình hóa chất lượng môi trường không khí; thực trạng và hiệu quả của các giải pháp quản lý chất lượng không khí đang thực hiện; hiện trạng các chương trình, hệ thống quan trắc; tổng hợp, xác định, đánh giá các nguồn phát thải chính (nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện); thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải chính và mô hình hóa chất lượng môi trường không khí.
- Phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí: nguyên nhân khách quan từ các yếu tố khí tượng, thời tiết, khí hậu theo mùa, các vấn đề ô nhiễm liên tỉnh, xuyên biên giới (nếu có); nguyên nhân chủ quan từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội làm phát sinh các nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí (nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện).
- Về đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng: thông tin, số liệu về số ca bệnh do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí (nếu có); kết quả đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân tại địa phương.
- Mục tiêu và phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí: hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí, hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí ở địa phương.
- Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí:
+ Về cơ chế, chính sách;
+ Về khoa học, công nghệ nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí;
+ Về quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí.
- Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, bao gồm:
+ Phân công trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện kế hoạch;
+ Cơ chế giám sát, báo cáo, đôn đốc thực hiện;
+ Cơ chế phân bổ nguồn lực thực hiện.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Căn cứ pháp lý: Điều 8 Nghị định 08/2022/NĐ-CP