Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
16/10/2024 16:30 PM

Nội dung bài viết trình bày về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó là các quy định pháp luật liên quan.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông năm 2024

Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông năm 2024 (Hình ảnh từ Internet)

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông năm 2024

Tại Điều 12 Nghị định 11/2010/NĐ-CP (sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 64/2016/NĐ-CPNghị định 70/2022/NĐ-CP) quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông như sau:

- Cá nhân tham gia thẩm tra an toàn giao thông (sau đây gọi là thẩm tra viên) phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng do Cục Đường bộ Việt Nam cấp.

- Cá nhân đảm nhận chức danh Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 11/2010/NĐ-CP, còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

+ Đảm nhận chức danh Chủ nhiệm đồ án thiết kế ít nhất 03 công trình đường bộ;

+ Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 07 năm;

+ Có trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành giao thông đường bộ về công trình đường bộ, vận tải đường bộ và có thời gian ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: Quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ; trong đó, đã tham gia xử lý an toàn giao thông từ 03 công trình đường bộ trở lên.

- Nhà thầu tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng điều kiện sau:

+ Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 04 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông;

+ Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 01 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.

2. Điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ

Tại Điều 12 Nghị định 11/2010/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 125/2018/NĐ-CP) thì điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ như sau:

- Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Về cơ sở vật chất

+ Bảo đảm phòng học có diện tích tối thiểu đạt 1,5 m2/chỗ học, có thiết bị âm thanh, nghe nhìn, gồm: Màn chiếu, máy chiếu, máy vi tính, bộ tăng âm, micro kèm loa;

+ Phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập ngoài hiện trường, tối thiểu có: 50 áo phản quang, 01 máy đo độ phản quang của biển báo hoặc sơn kẻ đường.

- Về đội ngũ giảng viên

+ Có số giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 40% số lượng chuyên đề của chương trình khung đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;

+ Tiêu chuẩn của giảng viên theo quy định tại khoản 1 Điều 12c Nghị định 11/2010/NĐ-CP.

3. Các giai đoạn thẩm định an toàn giao thông

Cụ thể, tại Điều 13 Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định các giai đoạn thẩm định an toàn giao thông như sau:

- Đối với đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo

+ Thẩm định an toàn giao thông bắt buộc thực hiện ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công;

+ Ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 11/2010/NĐ-CP, người có thẩm quyền quyết định đầu tư lựa chọn thẩm định an toàn giao thông ở một trong các giai đoạn sau:

++ Lập Dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình;

++ Trước khi đưa đường vào khai thác.

- Đối với công trình đường bộ đang khai thác phải thực hiện thẩm định an toàn giao thông khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

+ Công trình đường bộ đã được nâng cấp, cải tạo nếu xảy ra số vụ tai nạn giao thông tăng đột biến so với trước khi nâng cấp, cải tạo;

+ Lưu lượng xe thực tế tăng trên 30% so với lưu lượng xe thiết kế của kỳ tính toán;

+ Tình trạng đô thị hóa tăng trên 20% so với thời điểm đưa công trình vào khai thác.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 445

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn