Cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
11/10/2024 00:00 AM

Bài viết sau có nội dung về cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được quy định trong Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

Cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Hình từ Internet)

1. Cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 57/2018/NĐ-CP thì cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như sau:

- Ngân sách trung ương: Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức vốn hỗ trợ trung hạn và hàng năm cho địa phương theo mục: “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” trong kế hoạch đầu tư công. Khi dự án đủ điều kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao mức chi tiết danh mục và mức vốn hỗ trợ cho dự án theo quy định của Luật đầu tư công 2019.

- Ngân sách địa phương: Hỗ trợ cho các dự án tại địa phương, đáp ứng quy định của Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

- Quyết định về phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục dự án quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 57/2018/NĐ-CP và văn bản cam kết hỗ trợ vốn của cấp có thẩm quyền là căn cứ để giao kế hoạch hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp.

- Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư: Khi hạng mục đầu tư của dự án hoàn thành và nghiệm thu thì được giải ngân 70% mức vốn hỗ trợ theo hạng mục đầu tư; sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sản xuất, kinh doanh thì được giải ngân 30% mức vốn hỗ trợ còn lại.

- Vốn giao cho doanh nghiệp chưa giải ngân hết trong năm kế hoạch ngân sách sẽ được chuyển sang năm sau giải ngân tiếp. Trường hợp sau 02 năm mà doanh nghiệp vẫn chưa giải ngân hết thì số vốn còn lại chỉ được điều chuyển cho doanh nghiệp khác theo quy định của Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

- Nguồn vốn và thủ tục hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020) và doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định riêng của pháp luật.

- Phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước không tính vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và được Nhà nước cam kết bảo đảm phần vốn này khi doanh nghiệp thực hiện vay vốn từ ngân hàng thương mại để thực hiện dự án.

2. Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ sau đầu tư cho doanh nghiệp

Việc hỗ trợ sau đầu tư cho doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư 04/2018/TT-BKHĐT như sau:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và sở, ngành liên quan dự kiến cân đối mức vốn sử dụng ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua mức vốn hàng năm và trung hạn cho Mục “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” của địa phương.

- Sau khi có mức vốn của Mục “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” sử dụng ngân sách địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ khoản 3, Điều 15 Nghị định 57/2018/NĐ-CP dự kiến phân bổ vốn hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Điều 15. Cơ chế hỗ trợ sau đầu tư

...

3. Quyết định về phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục dự án quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định này và văn bản cam kết hỗ trợ vốn của cấp có thẩm quyền là căn cứ để giao kế hoạch hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 653

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]