Tải app trên IOS

Hướng dẫn xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
11/09/2024 16:00 PM

Nội dung bài viết sau hướng dẫn xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định pháp luật hiện hành.Theo đó là các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục phá sản.

Hướng dẫn xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định mới nhất

Hướng dẫn xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định mới nhất (Hình ảnh từ Internet)

1. Phương thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mới nhất

Theo Điều 30 Luật Phá sản 2014 quy định các phương thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:

- Người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân;

+ Gửi đến Tòa án nhân dân qua bưu điện.

- Ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

2. Quy định về việc phân công thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Tại Điều 31 Luật Phá sản 2014 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về quy chế làm việc của Tổ Thẩm phán quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Phá sản 2014.

3. Hướng dẫn xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định mới nhất

Tại Điều 32 Luật Phá sản 2014 hướng dẫn  xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:

+ Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;

+ Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 hoặc Điều 29 Luật Phá sản 2014 thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn;

+ Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác;

+ Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Thông báo việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải bằng văn bản và gửi cho người nộp đơn và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán biết.

4. Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và giải quyết đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn

- Tòa án nhân dân xử lý đơn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 Luật Phá sản 2014 có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định chuyển đơn thì người nộp đơn hoặc Tòa án nhân dân được chuyển đơn có quyền đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp xem xét lại việc chuyển đơn.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp giải quyết đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

(Theo Điều 33 Luật Phá sản 2014)

5. Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Tại Điều 34 Luật Phá sản 2014 thì đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ nội dung quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 hoặc Điều 29 Luật Phá sản 2014 thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn biết để sửa đổi, bổ sung. Thời hạn sửa đổi, bổ sung do Tòa án nhân dân ấn định, nhưng không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp đơn nhận được thông báo; trường hợp đặc biệt, Tòa án nhân dân có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày.

6. Các trường hợp trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 2024

Theo khoản 1 Điều 35 Luật Phá sản 2014 thì Tòa án nhân dân quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp sau:

- Người nộp đơn không đúng theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014;

- Người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 34 Luật Phá sản 2014 ;

- Tòa án nhân dân khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phá sản 2014;

- Người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,513

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]