Tổng hợp những điểm mới nổi bật của Luật Công đoàn 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
12/12/2024 11:45 AM

Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những điểm mới nổi bật của Luật Công đoàn 2024.

Tổng hợp những điểm mới nổi bật của Luật Công đoàn 2024 (Hình từ internet)

Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn 2024 thay thế Luật Công đoàn 2012.

Luật có 6 chương, 37 điều (tăng 4 điều so với Luật hiện hành) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật Công đoàn 2024 có một số điểm mới nổi bật như sau: 

1. Lao động là người nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam

Cụ thể, Điều 5 Luật Công đoàn 2024 thì ngoài người lao động Việt Nam thì người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.

2. Bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn

Miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn được quy định tại Điều 30 Luật Công đoàn 2024 như sau: 

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.

- Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.

Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.

- Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác của Điều này.

3. Duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%

Tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn.

(Điều 29 Luật Công đoàn 2024)

4. Quy định rõ 4 cấp công đoàn

Tại Điều 8 Luật Công đoàn 2024 quy định rõ hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam như sau: 

- Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 4 cấp sau đây:

(1) Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

(2) Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

(3) Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp huyện); công đoàn ngành địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

(4) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập và xác định cấp công đoàn đối với công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở quyết định của Quốc hội về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Mô hình tổ chức công đoàn được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện nội dung quy định tại khoản này.

- Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và chấm dứt hoạt động của tổ chức Công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

5. Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn 

Giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động chủ trì giám sát.

Theo đó, hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Công đoàn thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn mang tính xã hội, bao gồm việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn.

Ngoài ra, công đoàn có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.

Ý kiến phản biện xã hội của Công đoàn được nghiên cứu tiếp thu, giải trình theo quy định của pháp luật.

Công đoàn có trách nhiệm đề xuất nội dung và thực hiện phản biện xã hội theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 16, 17 Luật Công đoàn 2024)

6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ thực hiện phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn

Bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn cụ thể:

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn. Ở những nơi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, số kinh phí công đoàn dành cho cấp cơ sở được phân phối cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo số thành viên của tổ chức này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số tiền đóng, tổng số người lao động tại doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(Điều 31 Luật Công đoàn 2024)

7. Bổ sung quy định về báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính công đoàn

Bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Đồng thời, định kỳ hai năm một lần, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội cùng thời điểm báo cáo về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(Điều 33 Luật Công đoàn 2024)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,917

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]