Hướng dẫn đăng ký sử dụng biên lai điện tử

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
19/08/2024 12:45 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về hướng dẫn đăng ký sử dụng biên lai điện tử theo quy định hiện nay.

Hướng dẫn đăng ký sử dụng biên lai điện tử (Hình từ internet)

1. Có những loại biên lai nào?

Theo điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định biên lai gồm: 

- Biên lai thu thuế, phí, lệ phí không in sẵn mệnh giá;

- Biên lai thu thuế, phí, lệ phí in sẵn mệnh giá;

- Biên lai thu thuế, phí, lệ phí.

2. Hướng dẫn đăng ký sử dụng biên lai điện tử 

Đăng ký sử dụng biên lai điện tử được thực hiện theo Điều 34 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau: 

- Tổ chức thu các khoản phí, lệ phí trước khi sử dụng biên lai điện tử thì thực hiện đăng ký sử dụng qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nội dung thông tin đăng ký theo Mẫu số 01/ĐK-BL Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Mẫu số 01/ĐK-BL

Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tiếp nhận đăng ký sử dụng biên lai điện tử của tổ chức thu các khoản phí, lệ phí và gửi thông báo theo Mẫu số 01/TB-TNĐK Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP sau khi nhận được đăng ký sử dụng biên lai điện tử để xác nhận việc nộp hồ sơ đăng ký sử dụng biên lai điện tử.

Mẫu số 01/TB-ĐKĐT

 

- Trong thời gian 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng biên lai điện tử, Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi Thông báo điện tử theo Mẫu số 01/TB-ĐKĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP tới các đối tượng quy định nêu trên về việc chấp nhận trong trường hợp đăng ký sử dụng biên lai điện tử hợp lệ, không có sai sót hoặc không chấp nhận đăng ký sử dụng biên lai điện tử không đủ điều kiện để chấp nhận hoặc có sai sót.

- Kể từ thời điểm sử dụng biên lai điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, tổ chức nêu trên phải thực hiện hủy những biên lai, chứng từ giấy còn tồn chưa sử dụng (nếu có) theo quy định.

- Trường hợp có thay đổi thông tin đã đăng ký sử dụng biên lai điện tử tổ chức thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước thực hiện thay đổi thông tin và gửi lại cơ quan thuế theo Mẫu số 01/ĐK-BL Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

3. Các trường hợp tiêu hủy biên lai

- Các trường hợp tiêu hủy biên lai

+ Biên lai đặt in bị in sai, in trùng, in thừa phải được tiêu hủy trước khi thanh lý hợp đồng đặt in biên lai thu phí, lệ phí.

+ Các loại biên lai đã lập của các đơn vị kế toán được tiêu hủy theo quy định của pháp luật về kế toán.

+ Tổ chức thu phí, lệ phí có biên lai không tiếp tục sử dụng phải thực hiện tiêu hủy biên lai.

+ Các loại biên lai chưa lập nhưng là vật chứng của các vụ án thì không tiêu hủy mà được xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, biên lai được xác định đã tiêu hủy

- Tiêu hủy biên lai tự in, biên lai đặt in là việc sử dụng biện pháp đốt cháy, cắt, xé nhỏ hoặc hình thức tiêu hủy khác, đảm bảo biên lai đã tiêu hủy sẽ không thể sử dụng lại các thông tin, số liệu trên đó.

- Tiêu hủy biên lai điện tử là biện pháp làm cho biên lai điện tử không còn tồn tại trên hệ thống thông tin, không thể truy cập và tham chiếu đến thông tin chứa trong biên lai điện tử.

Biên lai điện tử đã hết thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán 2015 nếu không có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép tiêu hủy. 

Việc tiêu hủy biên lai điện tử không được làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các biên lai điện tử chưa hủy và phải đảm bảo sự hoạt động bình thường của hệ thống thông tin.

(Khoản 1, 2 Điều 39 Nghị định 123/2020/NĐ-CP)

 

 
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,245

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]