Tải App trên Android

Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
10/07/2024 11:30 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về chế độ phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 01/7/2024.

Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

Đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nào được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo?

Theo Mục I Thông tư 78/2005/TT-BNV thì những đối tượng sau đây được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo: 

- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng hưởng lương theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11 về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát.

- Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử hoặc bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP

Đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị khác này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

Lưu ý: Cơ quan, đơn vị khác nêu trên là cơ quan, đơn vị được thành lập đúng thẩm quyền, đúng trình tự pháp luật, có biên chế trả lương và kinh phí hoạt động riêng, có con dấu và có tài khoản tại Ngân hàng hoặc kho bạc Nhà nước.

Như vậy, đối tượng được hưởng lương phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo là cán bộ, công chức, viên chức được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị khác này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 01/7/2024

Hiện nay chế độ phụ cấp kiêm nhiệm được xác định tại Mục III Thông tư 78/2005/TT-BNV như sau:

Phụ cấp kiêm nhiệm

=

10% mức lương hiện hưởng

+

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo

+

Phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

Trong đó:

 Mức lương hiện hưởng = Hệ số lương x mức lương cơ sở

- Hệ số lương (được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP)

- Mức lương cơ sở hiện nay: 2.340.000 (Nghị định 73/2024/NĐ-CP)

Theo đó, cách tính trả phụ cấp kiêm nhiệm như sau:

Mức tiền phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác

=

Hệ số lương chức vụ hoặc hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng của người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm

x

Mức lương tối thiểu chung

x

(10%)

Lưu ý: Người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm đứng đầu cơ quan, đơn vị khác thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó chi trả tiền phụ cấp kiêm nhiệm cho người đó kể từ tháng được giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm đứng đầu cơ quan, đơn vị khác từ nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị theo chế độ tài chính hiện hành.

Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, theo quy định nêu trên, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác được tính bằng 10% mức lương chức vụ hoặc mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng của người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm.

Theo đó, khi tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng thì mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ có sự thay đổi.

Điều kiện hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức

- Cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác quy định tại Mục 1 được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm khi có đủ 2 điều kiện sau:

+ Đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử hoặc bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị.

+ Được cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc quyết định bổ nhiệm kiêm nhiệm giữ một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà chức danh lãnh đạo đứng đầu ở cơ quan, đơn vị khác này theo cơ cấu tổ chức bộ máy được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

- Người kiêm nhiệm một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác chỉ hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm trong suốt thời gian giữ một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm đó. Khi thôi kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác thì thôi hưởng phụ cấp kiêm nhiệm kể từ tháng sau liền kề với tháng thôi giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm.

(Mục II Thông tư 78/2005/TT-BNV)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,569

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]