Trường hợp bắt buộc phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
03/06/2024 09:01 AM

Từ ngày 01/7/2024, không bắt buộc công dân phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước, tuy nhiên nếu rơi vào các trường hợp dưới đây thì vẫn bắt buộc phải đổi.

Trường hợp bắt buộc phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước từ 01/7/2024

Trường hợp bắt buộc phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

1. Trường hợp bắt buộc phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước từ 01/7/2024

Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:

Điều 46. Quy định chuyển tiếp

1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

3. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

4. Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Căn cứ quy định trên thì từ ngày 01/7/2024, nếu thẻ CCCD hết hạn thì công dân bắt buộc phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, Điều 24 Luật Căn cước 2023 thì công dân bắt buộc phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024 trong các trường hợp sau:

- Thẻ CCCD bị hư hỏng không sử dụng được.

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng.

- Xác định lại giới tính, quê quán.

- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân.

- Bị mất thẻ Căn cước công dân;

- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Căn cước 2023

Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 7 Luật Căn cước 2023 bao gồm:

- Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

- Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

- Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

- Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước 2023.

- Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

- Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.

- Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.

- Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,835

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn