Các trường hợp nào bị thanh tra thuế? Quy trình thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
23/05/2024 08:45 AM

Xin hỏi các trường hợp nào bị thanh tra thuế? Quy trình thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thế nào? - Thu Hoài (Bình Định)

Các trường hợp nào bị thanh tra thuế? Quy trình thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp nào bị thanh tra thuế?

Các trường hợp thanh tra thuế được quy định tại Điều 113 Luật Quản lý thuế 2019 bao gồm:

- Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

- Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

- Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.

- Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.

2. Quy trình thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thế nào?

Theo Mục II Phần II Quyết định 1404/QĐ-TCT năm 2015, quy trình thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế được thực hiện như sau:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị và quyết định thanh tra.

Bước 1: Tập hợp tài liệu, phân tích xác định nội dung thanh tra

Bước 2: Ban hành quyết định thanh tra

Bước 3: Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra

Giai đoạn 2: Tiến hành thanh tra

Bước 1: Công bố Quyết định thanh tra thuế

Bước 2: Tiến hành thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế

Bước 3:  Báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Bước 4: Lập biên bản thanh tra

3. Các trường hợp nào phải thanh tra lại?

Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong những căn cứ sau đây:

- Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;

- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;

- Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra hoặc có dấu hiệu rủi ro cao theo tiêu chí đánh giá rủi ro qua phân tích đánh giá rủi ro;

- Người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

- Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

(Khoản 2 Điều 120 Luật Quản lý thuế 2019)

4. Thời hạn thanh tra là bao lâu?

Theo Điều 115 Luật Quản lý thuế 2019 quy định thời hạn thanh tra thuế như sau:

- Thời hạn thanh tra thuế thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2022. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính là thời gian thực hiện thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế.

- Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế theo quy định của Luật Thanh tra 2022. Việc gia hạn thời hạn thanh tra thuế do người ra quyết định thanh tra quyết định.

Theo Điều 47 Luật Thanh tra 2022 thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được quy định như sau:

- Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày;

- Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày;

- Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 963

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn