Chính phủ: Tiếp tục đề xuất miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (Hình từ internet)
Ngày 07/02/2025 Chính phủ ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2025.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng các nhiệm vụ trong tháng 02 và quý I năm 2025 để tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả; trong đó một trong những nhiệm vụ cần chú trọng là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
(1) Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng dư địa về nợ công để đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực cho phát triển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới... Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, bảo đảm hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
(2) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 02 năm 2025. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tại các vùng xảy ra thiên tai, bão lũ, không để người dân bị thiếu đói trong dịp giáp hạt.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:
(1) Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thế giới, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả để ứng phó với các vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội của nước ta.
(2) Rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng tháng, từng quý để tập trung chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...).
(3) Nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, tăng trưởng của các địa phương, nhất là các thành phố lớn là “đầu tàu” kinh tế, cực tăng trưởng, các địa phương tiềm năng để chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng được Chính phủ giao, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước đạt 8% trở lên và phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi.
(4) Bám sát diễn biến thị trường để kịp thời có các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, giá cả thời điểm sau Tết, nhất là các mặt hàng, dịch vụ ăn uống, vận tải, du lịch tại các điểm vui chơi, tham quan, lễ hội... Xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá với mức độ phù hợp, khi có dư địa và điều kiện cho phép, tránh dồn vào cùng một thời điểm.
Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 27/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 07/02/2025.