Đề xuất bổ sung quy định về giải quyết hưởng thêm trợ cấp bệnh binh đối với thương binh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
10/02/2025 10:45 AM

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có đề xuất về việc bổ sung quy định về giải quyết hưởng thêm trợ cấp bệnh binh đối với người đang hưởng trợ cấp thương binh.

Đề xuất bổ sung quy định về giải quyết hưởng thêm trợ cấp bệnh binh đối với thương binh (Hình từ internet)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Đề xuất bổ sung quy định về giải quyết hưởng thêm trợ cấp bệnh binh đối với thương binh 

Tại Dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ đối với bệnh binh đang hưởng chế độ thương binh.

Cụ thể, Bộ đề xuất bổ sung Điều 52a vào sau Điều 52 Mục 7 Chương II Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Trong đó nêu rõ quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm trợ cấp bệnh binh đối với thương binh như sau:

- Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 19 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đang thường trú.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đang quản lý nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn và hồ sơ theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xác lập hồ sơ thì ban hành quyết định hưởng thêm trợ cấp bệnh binh theo Mẫu số 62 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP.

- Thời điểm hưởng và thực hiện chế độ như sau:

+ Thời điểm hưởng thêm trợ cấp bệnh binh kể từ tháng Sở Lao động -Thương binh và Xã hội ban hành quyết định;

+ Trợ cấp, phụ cấp bệnh binh được xác định theo biên bản giám định bệnh tật lần đầu;

+ Trường hợp đã giải quyết hưởng thêm chế độ bệnh binh theo quy định tại Điều 43 Nghị định 131/2021/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn thương binh và bệnh binh

2.1 Điều kiện, tiêu chuẩn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh

(1) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên thì được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét công nhận là thương binh, cấp “Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh” khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

+ Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp với vùng địch chiếm đóng;

+ Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;

+ Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh mà để lại thương tích thực thể;

+ Làm nghĩa vụ quốc tế;

+ Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;

+ Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;

+ Do tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;

+ Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;

+ Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

(2) Người không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản (1) thì được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét công nhận là người hưởng chính sách như thương binh và cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”.

(3) Thương binh loại B là quân nhân, công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên trong khi tập luyện, công tác đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31/12/1993.

(4) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản (1) và khoản (2) có vết thương đặc biệt tái phát, vết thương còn sót, vết thương bổ sung được khám và giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể theo quy định của Chính phủ.

Thương binh loại B quy định tại khoản (3) có vết thương còn sót, vết thương bổ sung được khám để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể theo quy định của Chính phủ.

2.2 Điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” khi thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

(Điều 23, Điều 26 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]