Cập nhật Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) với nhiều quy định được bổ sung (Hình từ internet)
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố dự thảo lần 2 Luật Báo chí (sửa đổi).
Cụ thể, dự thảo lần 2 Luật Báo chí (sửa đổi) quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.
Trong đó, tại dự thảo lần 2 mới này, đã đề xuất bổ sung và sửa đổi nhiều nội dung khi xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) liên quan đến sự phát triển của hoạt động báo chí trên không gian mạng. Đơn cử một vài nội dung được đề xuất quy định như sau:
* Sửa đổi, bổ sung một vài khái niệm liên quan đến hoạt động báo chí trên không gian mạng
- Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng.
- Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp đã được đăng, phát trên báo chí Việt Nam và đã được đăng phát trên các trang thông tin điện tử của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ.
- Tổ hợp báo chí truyền thông là mô hình hoạt động của cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí, có các cơ quan báo chí trực thuộc, doanh nghiệp trực thuộc, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ.
- Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin được thiết lập trên nền tảng trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng, cung cấp các dịch vụ, công cụ cho phép người sử dụng dịch vụ cung cấp, trao đổi, tương tác, chia sẻ thông tin với nhau.
- Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện là tổ hợp báo chí truyền thông hoạt động nhiều loại hình, nhiều dịch vụ, có vai trò nòng cốt định hướng dư luận xã hội, được có cơ chế hoạt động đặc thù.
(Điều 2 dự thảo lần 2 Luật Báo chí (sửa đổi))
* Sửa đổi về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí
- Báo chí của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là báo chí cách mạng, gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
- Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.
- Báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới; Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
(Điều 3 dự thảo lần 2 Luật Báo chí (sửa đổi))
* Bổ sung quy định hoạt động báo chí trên không gian mạng
(1) Hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí phải tuân thủ quy định pháp luật về báo chí, quy định pháp luật về an ninh mạng, quy định về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(2) Nhà nước đầu tư công cụ số để thực hiện giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng phục vụ công tác quản lý báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.
(3) Nền tảng số báo chí ngoài đăng nội dung báo chí còn được tích hợp hoạt động dịch vụ trực tuyến theo quy định của pháp luật.
(4) Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng tin/bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí. Việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ.
(5) Chính phủ quy định chi tiết khoản (2).
(Điều 30 dự thảo lần 2 Luật Báo chí (sửa đổi))
* Sửa đổi, bổ sung quy định về cải chính trên báo chí, phù hợp với sự phát triển của không gian mạng
- Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
- Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó.
- Cơ quan báo chí phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát trên báo chí điện tử và trên không gian mạng nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều 35 dự thảo lần 2 Luật Báo chí (sửa đổi).
(Điều 35 dự thảo lần 2 Luật Báo chí (sửa đổi))
Dự kiến Luật Báo chí 2016 đang áp dụng hiện nay sẽ hết hiệu lực kể từ ngày dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Xem thêm nội dung tại dự thảo lần 2 Luật Báo chí (sửa đổi).