Quy định về việc công nhận nhà máy điện hạt nhân chấm dứt hoạt động

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
04/04/2024 15:30 PM

Cho tôi hỏi việc công nhận nhà máy điện hạt nhân chấm dứt hoạt động được quy định như thế nào? – Thái Anh (Bắc Giang)

Quy định về việc công nhận nhà máy điện hạt nhân chấm dứt hoạt động

Quy định về việc công nhận nhà máy điện hạt nhân chấm dứt hoạt động (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Yêu cầu đối với nhà máy điện hạt nhân

Theo Điều 45 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 yêu cầu đối với nhà máy điện hạt nhân được quy định như sau:

- Nhà máy điện hạt nhân là tổ hợp công trình bao gồm lò phản ứng hạt nhân và các công trình liên quan khác.

- Việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải theo quy hoạch phát triển điện hạt nhân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Việc lựa chọn, phê duyệt địa điểm, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử 2008 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân

(1) Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:

- Bảo đảm an toàn cho dân cư trên địa bàn;

- Bảo đảm an toàn cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân có tính tới các yếu tố địa chất, thủy văn, thiên tai, giao thông và các yếu tố khác;

- Bảo đảm an ninh cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân;

- Giảm thiểu hậu quả khi xảy ra sự cố.

(2) Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm bao gồm:

- Đơn đề nghị phê duyệt địa điểm;

- Báo cáo tổng quan về việc lựa chọn địa điểm;

- Thiết kế sơ bộ nhà máy điện hạt nhân;

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Báo cáo phân tích an toàn sơ bộ;

- Báo cáo thẩm định an toàn;

- Kế hoạch kiểm xạ môi trường đất, không khí, nước dưới đất và nước mặt trong vùng bị ảnh hưởng khi vận hành nhà máy điện hạt nhân;

- Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước;

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân thể hiện ý kiến nhân dân về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và dân cư trên địa bàn;

- Tài liệu khác có liên quan.

(Điều 47 Luật Năng lượng nguyên tử 2008)

Vận hành nhà máy điện hạt nhân

Vận hành nhà máy điện hạt nhân được quy định tại Điều 50 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 như sau:

- Nhà máy điện hạt nhân phải có giấy phép vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng hạt nhân.

- Việc vận hành thử nhà máy điện hạt nhân phải được thực hiện ở các mức công suất thấp đồng thời với việc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành và nâng dần công suất lên mức thiết kế. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải lập báo cáo vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của nhà máy điện hạt nhân, giải trình rõ các thay đổi về chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành so với thiết kế khi xin cấp giấy phép xây dựng, gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

- Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định báo cáo kết quả vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của nhà máy điện hạt nhân, đề xuất về việc cấp giấy phép vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân trình Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia đánh giá kết quả thẩm định.

Chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân

Căn cứ Điều 34 Nghị định 70/2010/NĐ-CP quy định về việc chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân như sau:

- Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm lập hồ sơ chấm dứt hoạt động và tháo dỡ trình cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân phê duyệt muộn nhất 24 tháng trước khi dừng hoạt động nhà máy. Hồ sơ gồm:

+ Kế hoạch tháo dỡ quy định tại Điều 35 Nghị định 70/2010/NĐ-CP;

+ Báo cáo phân tích an toàn tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân;

+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

+ Chương trình đảm bảo chất lượng tháo dỡ nhà máy;

+ Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

+ Kết quả thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

- Báo cáo phân tích an toàn tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân bao gồm:

+ Lý do chấm dứt hoạt động;

+ Kế hoạch tháo dỡ, tẩy xạ;

+ Kế hoạch xử lý nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ.

- Bộ Khoa học và Công nghệ quy định trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt hồ sơ chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân.

Quy định về việc công nhận nhà máy điện hạt nhân chấm dứt hoạt động

Việc công nhận nhà máy điện hạt nhân chấm dứt hoạt động được quy định tại Điều 38 Nghị định 70/2010/NĐ-CP như sau:

- Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân lập báo cáo hoàn thành quá trình tháo dỡ trình cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

- Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân kiểm tra trạng thái cuối của nhà máy được tháo dỡ và ra quyết định công nhận nhà máy điện hạt nhân chấm dứt hoạt động và hết trách nhiệm đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải chịu mọi chi phí tháo dỡ và chi phí lưu giữ, xử lý chất thải phóng xạ sinh ra từ quá trình tháo dỡ.

(khoản 1 Điều 39 Nghị định 70/2010/NĐ-CP).

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 831

Bài viết về

lĩnh vực Điện

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn