Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/03/2024 18:45 PM

Những hậu quả pháp lý nào sẽ xảy ra khi một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định hiện hành? – Hữu Hoàn (Bình Định)

Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm (hình từ internet)

Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Mối quan hệ giữa bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm xây dựng trên cơ sở là hợp đồng bảo hiểm. Thông thường một hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung về đối tượng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, phạm vi, mức phí đóng, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia,…

Vì đây là một dạng hợp đồng được ký kết giữa hai bên và các bên có các quyền, nghĩa vụ qua lại với nhau để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Vậy nên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của một bên khi bên còn lại không thực hiện đúng hợp đồng, Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 đã có những quy định cụ thể về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Khi nào thì một trong các bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm?

- Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng trước đó;

- Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm;

- Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm theo đúng trình tự.

Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Đối với trường hợp bên mua không đóng, không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận

- Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Ngoại trừ các trường hợp sau:

(1) Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

(2) Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.

Đối với trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro và người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Đối với trường hợp bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm

- Bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán trên cơ sở tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,189

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn