04 vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam hiện nay là vùng nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
02/12/2023 14:13 PM

Tôi muốn biết vùng kinh tế trọng điểm là gì? Hiện nay, 04 vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam là những vùng nào? – Hải Đăng (Cà Mau)

04 vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam hiện nay là vùng nào?

04 vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam hiện nay là vùng nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Vùng kinh tế trọng điểm là gì?

Vùng kinh tế trọng điểm là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia gồm một số tỉnh, thành phố hội tụ được các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực, đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước.

04 vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam hiện nay là vùng nào?

Từ nghiên cứu các đặc điểm về vị trí địa lý; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; đặc điểm và thực trạng kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh/thành phố trong cả nước; các yếu tố tác động từ bên ngoài đến nền kinh tế của đất nước, Chính phủ đã và đang cố gắng lựa chọn một số tỉnh/ thành phố để hình thành nên vùng kinh tế trọng điểm quốc gia có khả năng đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với tốc độ cao và bền vững, tạo điều kiện nâng cao mức sống của toàn dân và nhanh chóng đạt được sự công bằng xã hội trong cả nước.

Việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm là nhằm đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn nói chung và đỏi hỏi của nền kinh tế nước ta nói riêng.

Hiện nay ở Việt Nam có tất cả 4 vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm:

(1) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gồm các tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

(2) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

(3) Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm các tỉnh: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

(4) Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm các tỉnh: TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

(Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long được thành lập theo Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009).

Nguyên tắc phối hợp phát triển của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Cụ thể tại Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2360/QĐ-TTg năm 2015 quy định về nguyên tắc phối hợp phát triển của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm như sau:

- Tuân thủ chủ trương, đường lối đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và quy định của pháp luật về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế trọng điểm.

- Lĩnh vực phối hợp là tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực kinh tế là trọng tâm.

- Thực hiện phối hợp theo nguyên tắc: “thị trường vận hành và nhà nước thúc đẩy”, doanh nghiệp và từng địa phương có trách nhiệm đề xuất nhu cầu liên kết, nhà nước hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các liên kết thực hiện mục tiêu phát triển.

- Thực hiện phối hợp bảo đảm nguyên tắc đồng thuận giữa các Bộ, ngành; giữa các Bộ, ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau trong các vùng kinh tế trọng điểm.

- Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp sẽ được giao cho Bộ, ngành, địa phương nào có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực hoặc nhiệm vụ cần phối hợp đó.

- Hoạt động phối hợp được thực hiện thông qua Hội nghị Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm. Trên cơ sở nội dung các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, các Bộ, ngành, địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm bàn bạc, thảo luận để thỏa thuận, thống nhất và triển khai các nội dung thực hiện liên kết, phối hợp;

- Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các Bộ, ngành và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm thì Văn phòng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (sau đây gọi tắt là Văn phòng Ban Chỉ đạo) có trách nhiệm tổng hợp ý kiến chung, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,784

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]