Sớm trình đề xuất xây dựng văn bản quy định về tài sản số, tài sản ảo (Hình từ internet)
Vào ngày 07/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025.
Theo đó, Chính phủ yêu rà soát kỹ lưỡng các nhiệm vụ trong tháng 02 và quý I năm 2025 để tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Tài Chính:
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình về đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”), quản lý các giao dịch liên quan đến “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 424/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2024, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản số: 4152/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 10 năm 2024, 4452/VPCP-KTTH ngày 04 tháng 11 năm 2024, 313/VPCP-KTTH ngày 23 tháng 01 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản có liên quan, không để tiếp tục chậm trễ.
Trước đó, tại Quyết định 424/QĐ-TTg năm 2024, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”), quản lý các giao dịch liên quan đến “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”).
Đồng thời, báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ nêu trên trước ngày 31/12/2024.
Ngoài ra, tại Nghị quyết 27/NQ-CP năm 2025, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, bảo hiểm, chứng khoán.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Tại Điều 10 dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã đề xuất quy định về tài sản số như sau:
(1) Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, có giá và quyền tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Tài sản số bao gồm:
+ Token chứng khoán/tài sản mã hóa dạng chứng khoán;
+ Token thanh toán;
+ Token tiện ích và token hỗn hợp các loại trên.
(2) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành ban hành hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số.
(3) Các bộ, ngành trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của mình chịu trách nhiệm ban hành hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý liên quan đến tài sản số trong ngành, lĩnh vực của mình phụ trách.
- Lợi dụng hoạt động công nghiệp công nghệ số để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
- Sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp, trao đổi và chia sẻ dữ liệu công nghiệp công nghệ số trái với quy định của pháp luật.
- Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.
- Cản trở việc huy động nguồn lực công nghiệp công nghệ số phục vụ các hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh, cơ yếu, khẩn cấp, phòng chống thiên tai của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền; cản trở hoạt động công nghiệp công nghệ số hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
(Điều 6 dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số)