Thế nào là chất thải công nghiệp? Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải công nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
17/11/2023 14:15 PM

Thế nào là chất thải công nghiệp? Và chủ nguồn thải chất thải công nghiệp cần có trách nhiệm gì? - Quốc Hậu (TPHCM)

Thế nào là chất thải công nghiệp? Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải công nghiệp

Thế nào là chất thải công nghiệp? Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải công nghiệp (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là chất thải công nghiệp?

Theo khoản 12 Điều 3 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì chất thải công nghiệp là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó bao gồm chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường.

2. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải công nghiệp 

Theo khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường được quy định như sau:

- Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy;

- Chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý;

- Chủ nguồn thải chất thải công nghiệp phải kiểm soát có trách nhiệm phân định chất thải là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường thông qua hoạt động lấy, phân tích mẫu do cơ sở có chức năng, đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật. Chất thải công nghiệp sau khi phân định phải được quản lý theo quy định của pháp luật;

- Chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất;

- Tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp;

- Việc quản lý chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Theo quy định trên, chủ nguồn thải chất thải công nghiệp phải kiểm soát có trách nhiệm phân định chất thải là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường thông qua hoạt động lấy, phân tích mẫu do cơ sở có chức năng, đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Yêu cầu với chất thải công nghiệp trước khi nạp vào lò đốt 

Theo Phụ lục 2 QCVN 30:2012/BTNMT thì trừ trường hợp đặc biệt, chất thải phải được chuẩn bị hoặc sơ chế trước khi nạp vào lò đốt chất thải công nghiệp theo các yêu cầu sau:

- Chất thải rắn phải có kích thước phù hợp để được thiêu đốt nhanh chóng, đặc biệt các chất thải dạng khối đặc, liền ở thể rắn phải đảm bảo có độ dày tối thiểu tại một chiều bất kỳ không quá 10 (mười) cm.

- Các chất thải nguy hại được phối trộn với nhau hoặc phối trộn với các chất thải không nguy hại hoặc phụ gia phù hợp để tạo dòng chất thải ổn định, trừ trường hợp các chất thải phối trộn có phản ứng hóa học với nhau gây nguy hiểm hoặc tạo ra thành phần mới khó xử lý.

- Chất thải bết dính, có độ xốp thấp hoặc khó bắt cháy phải được phối trộn thêm chất thải, phụ gia phù hợp (như mùn cưa, vỏ trấu...) để giảm tính bết dính, tăng độ xốp và khả năng bắt cháy.

- Chất thải có độ ẩm cao như bùn thải phải được làm giảm độ ẩm hoặc phối trộn với chất thải, phụ gia dạng khô.

- Chất thải ở thể lỏng được phun trực tiếp vào các vùng đốt bằng vòi phun riêng hoặc phối trộn với chất thải, phụ gia ở thể rắn khô để nạp vào vùng đốt sơ cấp.

- Chất thải có nhiệt trị nhỏ cần được phối trộn hoặc được đốt cùng với chất thải, phụ gia có nhiệt trị lớn hơn để đảm bảo nhiệt trị (thấp) trong khoảng 2.800 - 4.000 kcal/kg nhằm đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu cũng như hoạt động và công suất bình thường của lò đốt chất thải công nghiệp.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,551

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn