Khi nào đảng viên bị cách tất cả chức vụ trong Đảng?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
03/10/2023 10:00 AM

Xin cho tôi hỏi khi nào đảng viên sẽ bị tổ chức đảng quản lý ra quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng của mình? – Đức Toàn (Long An)

Khi nào đảng viên bị cách tất cả chức vụ trong Đảng?

Khi nào đảng viên bị cách tất cả chức vụ trong Đảng? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Khi nào đảng viên bị cách tất cả chức vụ trong Đảng?

Theo khoản 1 Điều 14 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021, đảng viên giữ nhiều chức vụ (kể cả chức vụ đương nhiệm hoặc chức vụ ở các nhiệm kỳ trước đó) vi phạm kỷ luật phải cách chức thì tùy mức độ, tính chất vi phạm mà cách một, một số hay tất cả các chức vụ hoặc phải khai trừ thì tổ chức đảng quản lý đảng viên đó quyết định.

Chức vụ trong Đảng là chức vụ của đảng viên được bầu cử; được cấp có thẩm quyền chỉ định, bổ nhiệm, chuẩn y hoặc các chức danh kiêm nhiệm khác theo quy định của Đảng.

(Khoản 3 Điều 3 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022)

Cụ thể theo Chương III Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, trường hợp đảng viên đã kỷ luật bằng hình thức khiển trách nhưng mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp theo quy định thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

Theo đó, các hành vi vi phạm của Đảng viên có thể bị cách tất cả chức vụ trong Đảng bao gồm:

(1) Vi phạm quan điểm chính trị và chính trị nội bộ

(2) Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng

(3) Vi phạm quy định bầu cử

(4) Vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn

(5) Vi phạm quy định công tác tổ chức, cán bộ

(6) Vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền

(7) Vi phạm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ

(8) Vi phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành

(9) Vi phạm quy định bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước

(10) Vi phạm quy định quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài

(11) Vi phạm quy định quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ

(12) Vi phạm quy định phòng, chống tội phạm

(13) Vi phạm quy định kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán

(14) Vi phạm quy định khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

(15) Vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(16) Vi phạm quy định đầu tư, xây dựng

(17) Vi phạm quy định lĩnh vực tài chính, ngân hàng

(18) Vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở

(19) Vi phạm quy định trong lĩnh vực y tế

(20) Vi phạm quy định quản lý tài nguyên

(21) Vi phạm quy định bảo vệ môi trường

(22) Vi phạm quy định khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ

(23) Vi phạm quản lý, sử dụng các loại quỹ hỗ trợ, tài trợ, nhân đạo, từ thiện

(24) Vi phạm quy định thực hiện chính sách an sinh xã hội

(25) Vi phạm quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội

(26) Vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình

(27) Vi phạm quy định hôn nhân và gia đình

(28) Vi phạm quy định chính sách dân số

(29) Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài

(30) Vi phạm quy định về đạo đức, nếp sống văn minh

(31) Vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo

(32) Vi phạm quy định lập hội và hoạt động của hội; tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự

(Xem chi tiết các hành vi vi phạm tại Khoản 2 ở các Điều từ Điều 25 đến Điều 56 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022)

Hiện hành có các hình thức kỷ luật của Đảng như sau:

- Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

- Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

- Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

(Điều 10 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021)

Quy định về kỷ luật cách chức đối với đảng viên

Cụ thể tại Điều 14 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 quy định về kỷ luật cách chức đối với đảng viên như sau:

- Đảng viên giữ nhiều chức vụ (kể cả chức vụ đương nhiệm hoặc chức vụ ở các nhiệm kỳ trước đó) vi phạm kỷ luật phải cách chức thì tùy mức độ, tính chất vi phạm mà cách một, một số hay tất cả các chức vụ hoặc phải khai trừ thì tổ chức đảng quản lý đảng viên đó quyết định.

- Đảng viên tham gia nhiều cấp ủy (trừ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) vi phạm đến mức phải cách chức cấp ủy viên cao nhất hoặc khai trừ thì do ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp của cấp ủy cấp cao nhất mà đảng viên đó là thành viên quyết định. Nếu phải cách chức cấp ủy viên ở một cấp ủy cấp dưới thì do ban thường vụ cấp ủy quản lý đảng viên đó quyết định.

- Đảng viên tham gia nhiều cấp ủy, giữ nhiều chức vụ, bị kỷ luật cách chức một chức vụ đương nhiệm hoặc chức vụ trước đó, thì cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy có thẩm quyền phải xem xét các chức vụ khác, có thể cách chức hoặc cho thôi giữ một, một số hoặc tất cả các chức vụ khác.

- Việc kỷ luật đối với ủy viên ủy ban kiểm tra là cấp ủy viên tiến hành như đối với cấp ủy viên. Nếu ủy viên ủy ban kiểm tra không phải là cấp ủy viên thì việc kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tiến hành như đối với cán bộ do cấp ủy cùng cấp quản lý; trường hợp kỷ luật cách chức, khai trừ do cấp ủy cùng cấp quyết định.

- Cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải kỷ luật cách chức, không để thôi giữ chức, không chấp nhận cho rút khỏi cấp ủy.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,961

Bài viết về

Kỷ luật đảng viên

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn