Chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn nghệ thuật mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
16/09/2023 11:01 AM

Cho tôi hỏi chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn nghệ thuật được quy định thế nào? - Kiên Trung (Tiền Giang)

Chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn nghệ thuật mới nhất

Chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn nghệ thuật mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ai được hưởng chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn nghệ thuật?

Theo khoản 2 Điều 2 Quyết định 14/2015/QĐ-TTg thì đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn gồm người trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn và phục vụ công tác biểu diễn, bao gồm:

- Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối nước, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể; người biểu diễn nhạc cụ hơi;

- Người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên kịch câm, hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím; kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng.

- Người chỉ đạo nghệ thuật buổi diễn chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc;

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

2. Chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn nghệ thuật mới nhất

Chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn nghệ thuật theo Điều 4 Quyết định 14/2015/QĐ-TTg như sau:

- Chế độ bồi dưỡng luyện tập tính theo số buổi thực tế luyện tập, gồm các mức sau đây:

+ Mức 80.000 đồng/buổi tập, áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch (opera), vũ kịch (ballet), xiếc, rối; diễn viên hát chính (đơn ca), diễn viên múa chính (solist), nhạc công độc tấu (solist) với dàn nhạc; người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống;

+ Mức 60.000 đồng/buổi tập, áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính thứ trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, rối; diễn viên hát chính thứ, diễn viên hát lĩnh xướng trong dàn hợp xướng; diễn viên múa chính thứ, nhạc công chịu trách nhiệm lĩnh tấu trong dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc sân khấu truyền thông, diễn viên chịu trách nhiệm lĩnh xướng trong dàn hợp xướng; kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng;

+ Mức 50.000 đồng/buổi tập, áp dụng đối với diễn viên đóng vai phụ trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, múa rối; diễn viên múa; hợp xướng viên; nhạc công dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng;

+ Mức 35.000 đồng/buổi tập, áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ.

- Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế, gồm các mức sau đây:

+ Mức 200.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu;

+ Mức 160.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính thứ nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng;

+ Mức 120.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên phụ nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc;

+ Mức 80.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ và nhân viên phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng.

- Trường hợp người tham gia biểu diễn nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm thì chỉ hưởng mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn cao nhất.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,495

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn