Tiêu chuẩn với danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
21/08/2023 11:30 AM

Tiêu chuẩn với danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực thế nào? - Mỹ Ái (Bình Dương)

Tiêu chuẩn với danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực

Tiêu chuẩn với danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tiêu chuẩn chung với danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực

Tiêu chuẩn chung với danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực theo Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020 như sau:

- Đã có ít nhất 01 nhiệm kỳ làm Thẩm phán;

- Có phẩm chất đạo đức tốt; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế, kỷ luật của cơ quan, đơn vị;

- Tận tụy với nghề; ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật; là tấm gương điển hình trong rèn luyện, thực hiện chức trách nhiệm vụ của Thẩm phán;

- Tích cực tham gia phong trào thi đua;

- Trong 03 năm công tác trước thời điểm xét tặng liên tục được xếp loại công chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

- Có số lượng, chất lượng vụ, việc đã trực tiếp (làm chủ tọa, tham gia) phiên tòa xét xử hoặc được phân công trực tiếp giải quyết (trong 65 tháng liên tục trước thời điểm xét tặng) bằng hoặc cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại Điều 5, 6, 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020.

- Số lượng, chất lượng các vụ, việc đã giải quyết, xét xử của Thẩm phán được tính theo phương thức sau:

+ Đối với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc được phân công trực tiếp giải quyết: Mỗi vụ, việc đã giải quyết, xét xử thì tính bằng 01 vụ, việc;

+ Đối với Thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử: Mỗi vụ, việc đã giải quyết, xét xử thì tính bằng 1/2 vụ, việc;

+ Đối với mỗi Thẩm phán khi hòa giải thành 01 vụ án thì tính bằng 01 vụ án đã xét xử.

+ Bản án, quyết định bị sửa nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan thì tính bằng 1/2 bản án, quyết định bị hủy do nguyên nhân chủ quan.

2. Tiêu chuẩn danh hiệu Thẩm phán giỏi

Theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020 thì thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp ngoài đạt tiêu chuẩn chung quy định tại mục 1, còn phải đạt các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

- Đã giải quyết, xét xử liên tục từ 350 vụ, việc trở lên (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo); 500 vụ, việc trở lên (đối với các thành phố trực thuộc trung ương) và 450 vụ, việc trở lên (đối với các địa phương khác) mà không có án quá hạn luật định, không có án (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.

- Được trên 50% cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị cơ sở bỏ phiếu đề nghị.

3. Tiêu chuẩn danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu

Tiêu chuẩn danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu theo Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020 như sau:

- Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp ngoài đạt tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020, còn phải đạt một trong các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

+ Có 2 lần được tặng thưởng danh hiệu Thẩm phán giỏi; đồng thời, có nhiều (sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chuyên đề khoa học, giải pháp công tác, kế hoạch làm việc khoa học, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác...), đã được ứng dụng trong Tòa án nhân dân và được thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác nhận.

+ Đã được tặng thưởng danh hiệu Thẩm phán giỏi; sau đó giải quyết, xét xử từ 350 vụ, việc trở lên (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo); 500 vụ, việc trở lên (đối với thành phố trực thuộc trung ương) và 450 vụ, việc trở lên (đối với các địa phương khác), không có án quá hạn luật định, không có án (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.

- Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp có thể được đặc cách xét, tặng danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu, nếu có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020 và giải quyết, xét xử liên tục từ 700 vụ, việc trở lên (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo); 1.000 vụ, việc trở lên (đối với thành phố trực thuộc trung ương) và 900 vụ, việc trở lên (đối với các địa phương khác), không có án quá hạn luật định, không có án (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.

- Danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu phải được ít nhất 70% cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị cơ sở bỏ phiếu đề nghị.

4. Tiêu chuẩn danh hiệu Thẩm phán mẫu mực

Tiêu chuẩn danh hiệu Thẩm phán mẫu mực theo Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020 như sau:

- Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp ngoài đạt tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020  và còn phải đạt một trong các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

+ Có 1 lần được tặng thưởng danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu và 1 lần được tặng thưởng danh hiệu Thẩm phán giỏi hoặc 3 lần được tặng thưởng danh hiệu Thẩm phán giỏi; 

Đồng thời, có nhiều (sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chuyên đề khoa học, giải pháp công tác, kế hoạch làm việc khoa học, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác...), đã được ứng dụng trong Tòa án nhân dân và được thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác nhận.

+ Có 2 lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu Thẩm phán giỏi hoặc đã được tặng thưởng danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu; sau đó giải quyết, xét xử liên tục từ 350 vụ, việc trở lên (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo); 500 vụ, việc trở lên (đối với thành phố trực thuộc trung ương) và 450 vụ, việc trở lên (đối với các địa phương khác), không có án quá hạn luật định, không có án (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.

- Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp có thể được đặc cách xét, tặng danh hiệu Thẩm phán mẫu mực, nếu có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/QĐ-TANDTC-TĐKT năm 2020 và giải quyết, xét xử từ 900 vụ, việc trở lên (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo); 1.200 vụ, việc trở lên (đối với thành phố trực thuộc trung ương) và 1.100 vụ, việc trở lên (đối với các địa phương khác), không có án quá hạn luật định, không có án (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.

- Danh hiệu Thẩm phán mẫu mực phải được ít nhất 90% cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị cơ sở bỏ phiếu đề nghị.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,648

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn