Người phạm tội tự thú sẽ được giảm nhẹ hình phạt như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
12/08/2023 15:30 PM

Tôi muốn biết nếu người phạm tội tự thú sẽ được giảm nhẹ hình phạt như thế nào theo quy định Bộ luật Hình sự? – Phương Thảo (Tây Ninh)

Người phạm tội tự thú sẽ được giảm nhẹ hình phạt như thế nào?

Người phạm tội tự thú sẽ được giảm nhẹ hình phạt như thế nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Người phạm tội tự thú sẽ được giảm nhẹ hình phạt như thế nào?

Trong nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội theo điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì cơ quan nhà nước sẽ “nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.”

Do đó, nếu người phạm tội tự thú thì sẽ được chính sách khoan hồng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người phạm tội tự thú được xem là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)

Đặc biệt, trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận có thể được miễn trách nhiệm hình sự. (Điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017))

Như vậy, Bộ luật Hình sự đã có những quy định về việc giảm nhẹ hình phạt đối với người phạm tội tự thú.

Theo đó, nếu họ tự thú thì sẽ được các chính sách khoan hồng của pháp luật như giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu trong quá trình tố tụng hình sự, họ có sự thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

Phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự hiện hành

Cụ thể tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về việc phân loại tội phạm như sau:

(1) Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

(i) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

(ii) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

(iii) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

(iv) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

(2) Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại (2) và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,988

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]