Chế độ BHXH với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
01/07/2023 08:00 AM

Cho tôi hỏi chế độ BHXH với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư thế nào? - Tường Vy (TPHCM)

Chế độ BHXH với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư

Chế độ BHXH với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chế độ BHXH với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư

Theo Điều 21 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (sửa đổi tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) quy định về chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi người đó ra nước ngoài để định cư như sau:

- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp một lần.

- Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trong đó mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi được tính bằng 02 tháng lương hưu đang hưởng;

Sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

Tại khoản 4 Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Trường hợp tính đến trước ngày 01/01/2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ví dụ 34: Ông T có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 16 năm 4 tháng (trong đó 10 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/2014). Bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính như sau:

- Ông T có 10 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; 02 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy, số tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính là 10 năm trước năm 2014 và 6 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 6,5 năm).

- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính như sau:

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

=

1,5 tháng x 10 năm + 2 tháng x 6,5 năm

x

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội


 

Trường hợp người đang hưởng lương hưu mà thời gian công tác được tính quy đổi để tính tỷ lệ hưởng lương hưu thì trợ cấp một lần được tính theo thời gian công tác thực tế.

Ví dụ 41: Bà Th là người đang hưởng lương hưu, tháng 01/2017 bà Th ra nước ngoài để định cư. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà Th là 24 năm (trong đó có 2 năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi); tính đến thời điểm trước khi ra nước ngoài định cư bà Th đã hưởng lương hưu được 01 năm, mức lương hưu hiện hưởng là 4 triệu đồng/tháng. Bà Th đề nghị hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần đối với bà Th được tính như sau:

Mức trợ cấp một lần

=

 (22 x 1,5 + 2 x 2) - 12 x 0,5

x 4 triệu đồng

Mức trợ cấp một lần của bà Th là: 124 triệu đồng.

Ví dụ 42: Bà Q có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 25 năm, đã hưởng lương hưu là 10 năm, mức lương hưu hiện hưởng là 3,5 triệu đồng/tháng. Tháng 01/2018, bà Q ra nước ngoài để định cư và đề nghị hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần đối với bà Q được tính như sau:

Mức trợ cấp một lần

=

 (25 x 1,5) - (120 x 0,5)

x 3,5 triệu đồng

Mức trợ cấp một lần = - 22,5 x 3,5 triệu đồng.

Theo cách tính trợ cấp một lần bà Q đã hưởng quá số tiền tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, bà Q chỉ được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng (10,5 triệu đồng).

- Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP được tính như quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (sửa đổi tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH).

- Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp hằng tháng đối với công nhân cao su, trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 bằng 03 tháng trợ cấp đang hưởng.

Ví dụ 43: Ông V là người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng với mức hưởng 2 triệu đồng/tháng. Ông V theo các con ra nước ngoài để định cư và có đề nghị được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần của ông V được tính bằng 03 tháng trợ cấp đang hưởng: 3 x 2 triệu đồng = 6 triệu đồng.

2. Quy định về tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng

Theo Điều 23 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định việc tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

- Người bị dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị Tòa án tuyên bố là mất tích, sau đó được Tòa án hủy quyết định tuyên bố là mất tích thì được tiếp tục hưởng và được nhận tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của những tháng chưa nhận, không bao gồm tiền lãi.

- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng có thời gian gián đoạn chưa nhận lương hưu, trợ cấp thì được nhận tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của những tháng chưa nhận, không bao gồm tiền lãi.

- Người hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng mà chết trong thời gian gián đoạn chưa nhận lương hưu, trợ cấp thì ngoài chế độ tử tuất thân nhân còn được nhận tiền lương hưu, trợ cấp của những tháng chưa nhận, không bao gồm tiền lãi.

- Người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng do bị Tòa án tuyên bố là mất tích, sau đó bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân không được nhận tiền lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong thời gian tạm dừng hưởng.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,831

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn