Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/06/2023 15:27 PM

Xin cho tôi hỏi hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào? - Thiên Ân (Bến Tre)

Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam

Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam

Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 61/2019/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam gồm:

- Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam:

+ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4;

+ Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 2; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 3; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 4;

+ Đoàn Trinh sát số 1; Đoàn Trinh sát số 2;

+ Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển.

- Các cơ quan, đơn vị đầu mối và cấp cơ sở trực thuộc các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 61/2019/NĐ-CP.

2. Các chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam

Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 61/2019/NĐ-CP quy định các chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

- Cảnh sát viên, Trinh sát viên và Cán bộ điều tra là chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam, có nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

- Cảnh sát viên, Trinh sát viên Cảnh sát biển gồm:

+ Cảnh sát viên, Trinh sát viên sơ cấp;

+ Cảnh sát viên, Trinh sát viên trung cấp;

+ Cảnh sát viên, Trinh sát viên cao cấp.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và Mẫu giấy chứng nhận Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam.

- Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Cảnh sát viên, Trinh sát viên; cấp, thu hồi và quy định việc quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam.

- Cán bộ điều tra thuộc Cảnh sát biển Việt Nam khi được phân công điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng đã ra quyết định phân công về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

3. Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam

Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định tại Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 như sau:

- Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.

- Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.

- Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

- Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.

- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.

- Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

4. Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam

Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định tại Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 như sau:

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.

- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

- Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.

- Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.

- Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.

- Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.

- Áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,888

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn