Tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
22/06/2023 10:00 AM

Tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định như thế nào? - Thắng Lợi (Đồng Tháp)

Tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Điều 3 Nghị định 36/2015/NĐ-CP quy định việc thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Cục Hải quan) xuất phát từ yêu cầu hoạt động quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Phù hợp với yêu cầu của chương trình cải cách hành chính, chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đáp ứng các tiêu chí thành lập Cục Hải quan theo quy định tại Nghị định 36/2015/NĐ-CP.

- Đảm bảo đúng trình tự, thủ tục thành lập tổ chức hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Điều 4 Nghị định 36/2015/NĐ-CP như sau:

- Cục Hải quan thành lập khi địa bàn dự kiến quản lý phải đáp ứng hai trong ba tiêu chí sau:

+ Có số lượng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn hơn 30% trung bình cộng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước hoặc trung bình cộng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước (không bao gồm địa bàn quản lý của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hải quan thành phố Hải Phòng) trong năm trước năm đề nghị.

+ Có một trong các cửa khẩu quốc tế đường bộ, hàng không dân dụng hoặc cảng biển quan trọng của quốc gia.

+ Có Khu công nghiệp hoặc Khu kinh tế.

- Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế - xã hội tại các địa bàn có đường biên giới dài, địa hình phức tạp hoặc tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực trọng điểm của đất nước thì việc thành lập Cục Hải quan do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Căn cứ các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 36/2015/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Tài chính rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp lại các Cục Hải quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Trong trường hợp thành lập mới Cục Hải quan thì địa bàn dự kiến quản lý phải đáp ứng điều kiện về việc có số lượng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn hơn 30% trung bình cộng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước hoặc trung bình cộng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước (không bao gồm địa bàn quản lý của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hải quan thành phố Hải Phòng) trong năm trước năm đề nghị.

- Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và tổ chức lại Cục Hải quan.

3. Nhiệm vụ và hoạt động của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Nhiệm vụ và hoạt động của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Điều 9 Nghị định 36/2015/NĐ-CP như sau:

- Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện các quy định của pháp luật về hải quan trên địa bàn, gồm:

+ Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của pháp luật.

+ Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và các chất ma túy qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động. 

Phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, phòng, chống vận chuyển trái phép hàng hóa và các chất ma túy qua biên giới, ngoài phạm vi địa bàn hoạt động của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

+ Kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

+ Thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc phạm vi quản lý của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật.

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về hải quan theo quy định của pháp luật.

- Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; 

Báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan những vướng mắc phát sinh, các vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của Cục Hải quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 960

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn