Đề xuất bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
03/05/2023 16:32 PM

Đề xuất bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá là nội dung đề cập tại Dự thảo Luật sửa đổi Luật đấu giá tài sản.

Đề xuất bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá

Đề xuất bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá (Hình từ Internet)

Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, trong đó đề xuất bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá.

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đấu giá tài sản

1. Đề xuất bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá

Theo khoản 7 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi Luật đấu giá tài sản, người được giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá bao gồm:

- Người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên; người có thời gian làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp từ 10 năm trở lên.

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên.

Điều 12 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định người được miễn đào tạo nghề đấu giá bao gồm:

- Người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên.

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi Luật đấu giá tài sản đề xuất giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng (luật sư, công chứng viên, thừa phát lại đã hành nghề một thời gian nhất định, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, người có thời gian công tác trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp) thay thế việc miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành.

Đồng thời, khoản 6 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi Luật đấu giá tài sản quy định thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng. Người thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi Luật đấu giá tài sản thì được giảm một phần hai thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá.

2. Đề xuất sửa đổi tài sản phải thông qua đấu giá

Khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi Luật đấu giá tài sản quy định tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

(i) Tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

(ii) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

(iii) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

(iv) Tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

(v) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

(vi) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

(vii) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Hiện hành, khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

- Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;

- Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

- Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

- Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

- Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

- Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

- Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

- Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

- Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

- Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 978

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]