Tải App trên Android

Các trường hợp không được hưởng chế độ thai sản năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
18/04/2023 08:20 AM

Cứ tham gia bảo hiểm xã hội là sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay có trường hợp nào đóng bảo hiểm xã hội nhưng không được hưởng chế độ thai sản hay không? - Thành Vinh (Hà Nội)

Các trường hợp không được hưởng chế độ thai sản

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng một trong hai điều kiện sau đây:

- Lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; hoặc

- Lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Lao động nữ đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Như vậy: Nếu lao động nữ không đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội nêu trên thì không được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Trường hợp 2: Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không được giải quyết hưởng chế độ thai sản

Theo quy định tại 86 và Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì khác với trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ thai sản chỉ áp dụng đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể:

- Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây: hưu trí; tử tuất.

Do đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được hưởng bảo hiểm thai sản.

Các trường hợp không được hưởng chế độ thai sản

Các trường hợp không được hưởng chế độ thai sản (Hình từ internet)

Các trường hợp được hưởng chế độ thai sản không phụ thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không cần phải đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

(i) Lao động nữ đi khám thai

Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

(ii) Lao động nữ bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

(iii) Người lao động thực hiện biện pháp tránh thai

Theo quy định tại Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

- 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

- 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

Thời gian hưởng chế độ thai sản nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

(iv) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

- 05 ngày làm việc;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Lưu ý, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên của lao động nam chỉ được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,536

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]