Thời hạn nộp giấy khai sinh của con để hưởng chế độ thai sản?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
08/04/2023 13:43 PM

Thời hạn nộp giấy khai sinh của con để hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con được quy định như thế nào? - Xuân Hạnh (Hà Tĩnh)

Lao động nữ khi sinh con được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản trong thời hạn mà pháp luật đã quy định.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mới nhất

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; hoặc

- lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp lao động nữ đáp ứng đủ một trong các điều kiện nêu trên mà nghỉ việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Thời hạn nộp giấy khai sinh của con để hưởng chế độ thai sản

Thời hạn nộp giấy khai sinh của con để hưởng chế độ thai sản (Hình từ internet)

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con gồm những gì?

Để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì lao động nữ cần phải có bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.

Lưu ý:

- Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài loại giấy tờ nêu trên phải có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì có thêm một trong các giấy tờ sau:

+ Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

+ Trường hợp phải giám định y khoa: Biên bản giám định y khoa.

- Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

- Trường hợp lao động nữ đã nghỉ việc thì cần phải xuất trình số bảo hiểm xã hội.

Thời hạn nộp giấy khai sinh của con để hưởng chế độ thai sản?

Ở đây sẽ có 2 trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: Lao động nữ còn làm việc cho người sử dụng lao động

Trong trường hợp này, lao động nữ có trách nhiệm nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con cho người sử dụng lao động kể từ thời điểm sinh con nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

- Trường hợp 2: Lao động nữ đã nghỉ việc trước khi sinh con

Trường hợp lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con thì nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú từ thời điểm sinh con, nhận con.

Lưu ý, khi nộp hồ sơ trong trường hợp này, lao động nữ cần xuất trình thêm sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,639

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn