Hòa giải ở cơ sở là gì? Tranh chấp nào thì được hòa giải ở cơ sở?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/03/2023 14:50 PM

Hoạt động hòa giải ở cơ sở được quy định như thế nào? Tranh chấp nào thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở? - Thiên Bình (Đắk Nông)

Hòa giải ở cơ sở là gì? Tranh chấp nào thì được hòa giải ở cơ sở?

Hòa giải ở cơ sở giải quyết những lĩnh vực nào? (Hình từ Internet)

Hòa giải ở cơ sở là gì?

Tại khoản 1, 2, 3 Điều 2 Luật Hòa giải cơ sở 2013 có định nghĩa sau:

- Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định Luật Hòa giải cơ sở 2013.

- Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).

- Các bên là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.

Tranh chấp nào thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở?

Trong Điều 3 Luật hòa giải cơ sở 2013 và quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

- Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác).

- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về:

+ Quyền sở hữu.

+ Nghĩa vụ dân sự.

+ Hợp đồng dân sự.

+ Thừa kế.

+ Quyền sử dụng đất.

- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ:

+ Quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình.

+ Cấp dưỡng.

+ Xác định cha, mẹ, con.

+ Nuôi con nuôi.

+ Ly hôn.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính.

- Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:

+ Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

+ Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

+ Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 1 Điều 230 cBộ luật tố tụng hình sự 2015 hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định 120/2021/NĐ-CP hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

Trường hợp không hòa giải ở cơ sở

Cũng được quy định tại Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP, khoản 2 quy định về các trường hợp không được hòa giải bao gồm:

- Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

- Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP.

- Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở 2013, bao gồm:

+ Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Giải quyết trường hợp vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở

Dựa vào quy định tại Điều 6 Nghị định 15/2014/NĐ-CP, đối với trường hợp xác định vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải theo quy định tại Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở 2013 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP, thì hòa giải viên giải thích cho các bên về lý do không hòa giải và hướng dẫn các bên làm thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Hướng dẫn việc xác định phạm vi hòa giải ở cơ sở

Theo Điều 7 Nghị định 15/2014/NĐ-CP, đối với trường hợp chưa xác định được vụ, việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không, thì hòa giải viên đề nghị công chức Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn.

 Lê Vũ Trang Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,934

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn